10 THỦ THUẬT ĐƠN GIẢN ĐỂ LUÔN VIẾT HAY NÓI GIỎI – Kỳ 8 - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

10 THỦ THUẬT ĐƠN GIẢN ĐỂ LUÔN VIẾT HAY NÓI GIỎI – Kỳ 8

Thủ Thuật Số 8:
KHÔNG LẠM DỤNG PHÉP LẶP!
 Phan Nguyễn Khánh Đan - Sức Mạnh Ngòi Bút 2013 11 04
Trong nhiều bài chia sẻ trước trên trang chủ cũng như thư viện, tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng phép lặp là một công cụ lợi hại giúp bạn tăng tính thuyết phục trong giao tiếp và hiệu quả bán hàng trong quảng cáo. Việc lặp đi lặp lại thông điệp sẽ giúp độc giả hoặc người nghe dễ dàng nhớ và có ấn tượng rõ ràng về những gì bạn nói hoặc viết cho họ.
Tuy vậy, giống như thuốc quá liều có thể phản tác dụng hoặc gây ra những hậu quả khác nghiêm trọng hơn, việc lạm dụng phép lặp không chỉ gây “mỏi tay, tốn nước bọt” quá mức cần thiết cho chính bạn, mà còn khiến cho độc giả hoặc người nghe khó chịu và có ấn tượng không hay về bạn.
Tôi xin kể hầu các bạn một câu chuyện vui như sau:
“Lúc đó tôi đang học cấp 3, khi ấy cụm từ “Hên xui” đang là phong trào của giới trẻ sử dụng ngôn ngữ teen nhằm đáp trả những câu hỏi không biết nên trả lời có hay không. Cô giáo dạy tiếng Anh của chúng tôi thì không hài lòng lắm với tình trạng sử dụng ngôn ngữ tùy tiện của “bọn trẻ”, nên cô kể chúng tôi nghe chuyện một cô cháu gái của cô dẫn bạn trai về gặp gỡ gia đình. Theo như tôi được biết là cô cháu gái này cũng cỡ tuổi chúng tôi (tức tuổi teen), và cậu bạn trai nọ chắc cũng chỉ là một mối tình học trò trong sáng kiểu vui là chính.
Thế là hôm đó, mấy người lớn trong gia đình cô mới hỏi đùa cậu bạn này vài câu. Bố mẹ cô cháu gái của cô mới hỏi cậu ta rằng: “Cháu có yêu con gái hai bác không?”
“Dạ có chứ ạ!”
“Cháu yêu nó cỡ nào?” – hai bác hỏi tiếp.
“Dạ,” – cậu nhóc bắt đầu gãi đầu – “Hên xui!”.
“Thế sau này lớn lên, cháu có muốn cưới nó không?”
“Ơ… hên xui ạ! Sao mà nói trước được ạ?”
“Hiện giờ cháu có dự định gì sau khi tốt nghiệp cấp 3 không?”
“Ơ dạ… cháu chưa nghĩ tới. Hên xui!”
“Thế về tương lai lâu dài, cháu có đảm bảo việc học hành tấn tới, sự nghiệp thành đạt và kiếm tiền lo được cho con gái hai bác không?”
Hên xui!”
Hên xui!”
Hên xui!”
Đó là câu trả lời duy nhất của cậu nhóc nọ trong suốt phần còn lại của buổi trò chuyện.
Tôi không biết chắc chuyện này có thật hay không, hay cô giáo tôi chỉ sáng tác ra câu chuyện để nhắc nhở chúng tôi phải cẩn thận với hai chữ “Hên xui” của mình. Nhưng nếu bạn là ông bố bà mẹ trong câu chuyện trên, bạn có thể nào có thiện cảm nổi với anh chàng đó không?
Nếu câu trả lời của bạn là không, xin chúc mừng bạn đã rút ra được phần nào ý nghĩa câu chuyện mà tôi chia sẻ.
Việc nói đi đi nói lại vượt mức cần thiết có thể chuyển thành lải nhải, nói dông-nói dài-nói dai thành ra nói dở và khiến cho bạn trở nên rất “dễ ghét” trong mắt người đối diện.
Việc viết đi viết lại quá nhiều lần một thông điệp không chỉ vô tác dụng, mà còn gây tốn chỗ và tốn thời gian cho cả người viết lẫn người đọc. Nếu bạn viết quảng cáo trên các website cá nhân hoặc blog miễn phí, bạn có thể không cần quan tâm đến vấn đề không gian viết. Nhưng nếu bạn viết những mẩu quảng cáo để đăng trên báo chí, trên đường phố, trên truyền hình hoặc spot quảng cáo trên website của người khác thì “Tấc đất tấc vàng”. Chỗ càng lớn thì tiền càng nhiều. Viết dông dài mà không đủ ý thì chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ.
Tóm lại, thông điệp chính của bài chia sẻ ngày hôm nay chỉ đơn giản là: “Uống thuốc đủ liều, Lặp Lại Vừa Phải!” Rồi bạn sẽ luôn có một sức khỏe thật ổn và những bài viết thật hay!
*Kỳ tới: Thủ thuật số 9 – “Dẹp cái tôi của bạn sang một bên!”
~ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức 
Admin hệ thống website Nghệ Thuật Viết Quảng Cáo

Không có nhận xét nào