PHƯƠNG ÁN KHỞI NGHIỆP VỚI NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH CÓ HẠN P2
Tóm tắt phần 1:
Tùng viết bài này dựa trên kinh nghiệm thực tế khởi nghiệp của cá nhân cũng như kinh nghiệm 8 năm làm nghề tư vấn chiến lược và huấn luyện phát triển năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp SMEs, nhằm trả lời câu hỏi mà rất nhiều chủ doanh nghiệp SMEs và các bạn làm kinh doanh quan tâm: Khởi nghiệp gì với số vốn XXX đồng?
Ở phần 1, Tùng đã chia sẻ 2 bước đầu tiên cần làm của quá trình khởi nghiệp:
️🎯 Bước 1. Xác định lại nguồn lực của bản thân (con người – trí tuệ - tài sản vật chất) cũng như đánh giá lại bản thân mình yêu thích sản phẩm/lĩnh vực nào? Yêu thích và mong muốn phục vụ nhóm khách hàng nào?... để từ đó tìm ra Big Idea cho ý tưởng khởi nghiệp ở dạng phác thảo đơn giản.
️🎯 Bước 2. Nghiên cứu thị trường, tìm xem trên lĩnh vực/sản phẩm mình định cung cấp, có những đối thủ cạnh tranh nào và họ đang có những điểm mạnh, điểm yếu gì? Khách hàng tiềm năng của mình đang còn có nhu cầu gì mà họ chưa đáp ứng được? Từ đó làm rõ hơn về lĩnh vực/sản phẩm mà mình dự tính để nhắm đúng khách hàng tiềm năng của mình (Thuật ngữ chuyên ngành gọi là phân tích 4C: Company – Competitor – Category – Custormer và phân tích STP: Segmentation – Targeting – Positioning).
Bây giờ chúng ta cùng qua bước 3.
️🎯 Bước 3. Xây dựng thương hiệu & hình thành sản phẩm thương mại.
Trước khi vào bước này, chúng ta nhắc lại một chút về một khái niệm có thể làm bản lề giữa bước 2 và bước 3, đã được nhắc ở bước 2, đó là: POSITITIONING – ĐỊNH VỊ THƯƠNG HIỆU
➡️ Sau quá trình nghiên cứu thị trường, phân tích 4C và STP, bạn sẽ lập được biểu đồ định vị thương hiệu (biểu đồ gồm 1 cột là thang điểm, và 1 cột là các tiêu chí đánh giá, trên biểu đồ thể hiện các đồ thị của doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh. Tìm hiểu thêm qua hashtag #nctt). Từ biểu đồ này, bạn sẽ xác định được sản phẩm/doanh nghiệp của mình cần tập trung vào điều cốt lõi gì để xây dựng thương hiệu (giá bạn rẻ nhất? Bạn phục vụ nhanh nhất? Sản phẩm của bạn ngon nhất? Công nghệ của bạn hiện đại nhất?....) Bất cứ điều gì khách hàng quan tâm, và bạn đang hơn đối thủ của bạn, không chỉ hiện tại mà còn dự đoán sẽ hơn được lâu dài (dựa vào những nguồn lực bạn đã xác định ở bước 1). Hãy tập trung vào nó.
➡️ Đến bước này, rất nhiều anh chị chủ doanh nghiệp đã hỏi Tùng: Nhưng doanh nghiệp của tôi bé xíu, chẳng có điều gì vượt trội so với đối thủ cả thì phải làm sao?
Đúng là có rất nhiều anh chị chủ doanh nghiệp nghĩ như thế. Nhưng điều quan trọng nhất của câu chuyện định vị thương hiệu không phải là bạn TRỞ THÀNH SỐ 1 mà là TRỞ THÀNH PHÙ HỢP SỐ 1 TRÊN THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU.
Bạn có thể thấy, ở đây Tùng nhấn mạnh đến cả 3 yếu tố: PHÙ HỢP + SỐ 1 + THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU.
Bạn có thể không tốt nhất (rất khó để biết thế nào là tốt nhất đúng ko?), nhưng bạn phải là lựa chọn PHÙ HỢP NHẤT. Đó là lí do vì sao nghiên cứu thị trường là một điều vô cùng quan trọng và cần thiết khi bạn làm kinh doanh.
Rồi, đọc đến đây, Tùng khuyên bạn dừng lại, ngẫm nghĩ về cái định vị PHÙ HỢP NHẤT của sản phẩm bạn đang có với NHÓM KHÁCH HÀNG MỤC TIÊU là gì nhé? Nếu bạn cần, có thể inbox trao đổi với Tùng để chúng ta cùng nhau tìm ra điều này cho bạn.
➡️ Sau khi bạn đã xác định được định vị của sản phẩm/doanh nghiệp, việc tiếp theo bạn cần làm là xây dựng thương hiệu dựa theo định vị ấy.
Khái niệm thương hiệu, có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng với Tùng thì
Thương hiệu = Nhận diện + Tính cách.
Do đó, xây dựng thương hiệu là bạn phải xây dựng cả 2 điều này, phù hợp với định vị bạn đã chọn.
➡️ Ví dụ, bạn muốn mở 1 quán ăn bình dân phục vụ nhóm khách hàng là công nhân, văn phòng..., thì nhận diện của quán cũng phải trang trí bình thường, giản dị chứ ko phải sang trọng, hào nhoáng (vì sẽ bị dẫn đến cảm giác giá cao khiến nhóm khách hàng mục tiêu ngại tiếp cận); tính cách của thương hiệu cũng phải “bình dân” theo (ví dụ thể hiện qua cách xưng hô của chủ quán với khách, qua việc thu tiền tại quầy thay vì kẹp sổ trao bill tận bàn như các nhà hàng hạng sang).
➡️ Tính cách thương hiệu thì bạn cần xây dựng qua 1 quá trình hoạt động lâu dài, nhưng nhận diện thương hiệu thì bạn cần phải hoàn thiện càng sớm càng tốt. Có 9 yếu tố nhận diện thương hiệu chính, bạn xây dựng được càng nhiều thì thương hiệu của bạn sẽ càng vững mạnh, bao gồm: tên thương hiệu, logo thương hiệu, slogan, màu sắc, hình khối/hình dáng, họa tiết/đường nét, mùi vị, âm thanh, linh vật hoặc hình ảnh đại diện. Trong số này, quan trọng nhất và cần làm đầu tiên chính là đặt tên thương hiệu. Tên thương hiệu là thứ đầu tiên khách hàng nhắc về thương hiệu của bạn, cũng là thứ cuối cùng họ sẽ còn nhớ đến nếu thương hiệu của bạn ra đi. Vì thế, có những nguyên tắc nghiêm chuẩn về việc đặt tên thương hiệu để đảm bảo tên thương hiệu đáp ứng được các yêu cầu về xây dựng thương hiệu. Bạn có thể theo dõi các bài viết về chủ đề này qua hashtag #đặt_tên_thương_hiệu hoặc inbox trực tiếp cho Tùng để được nhận những tài liệu riêng về kiến thức này.
➡️ Từ nhận diện thương hiệu đó và những phân tích bạn thu nhận được ở bước nghiên cứu thị trường (test sản phẩm thử nghiệm bằng kỹ thuật sampling), bạn triển khai vào việc xây dựng sản phẩm thương mại, thiết kế bao bì, đóng gói...
Lúc này, bạn đã ở rất gần với hoạt động bán hàng rồi. Bạn đã có ý tưởng, bạn đã có nhóm khách hàng mục tiêu, bạn đã xây dựng sản phẩm, bạn đã xây dựng nhận diện thương hiệu... Giờ là lúc bạn chuyển sang bước 4.
️🎯 Bước 4. Xây dựng chiến lược và lập kế hoạch marketing và bán hàng
➡️ Đây là phần quan trọng, và khó. Nếu như nghiên cứu thị trường hay xây dựng thương hiệu, có thể có một số chủ doanh nghiệp chưa ý thức được đúng tầm quan trọng của nó, thì khâu marketing và bán hàng luôn được các chủ doanh nghiệp đánh giá cao và quan tâm.
Đáng tiếc, đây lại thường chính là công đoạn khó và tiêu tốn nhiều chi phí nhất cho chủ doanh nghiệp.
Phần này khó và dài, có lẽ không thể viết trong cùng bài viết này, nếu anh chị chủ doanh nghiệp nào quan tâm xin comment lại ý kiến, Tùng sẽ tổ chức 1 buổi offline dạng workshop mời thêm những chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ sâu với anh chị phần này.
➡️ Trong khuôn khổ bài viết, Tùng chỉ muốn lưu ý với các anh chị, trên cương vị là chủ doanh nghiệp, các anh chị cần nắm vững và nhất quán về mặt chiến lược đồng thời linh hoạt khi triển khai. Đặc biệt trong chiến lược xây dựng thương hiệu, nhất quán, liên tục và rõ ràng là 3 tiêu chí tối quan trọng để thương hiệu của doanh nghiệp được hình thành trong tâm trí khách hàng.
Khi xây dựng 1 bản kế hoạch, anh chị cần bám sát hệ thống câu hỏi 5W1H kèm theo mục tiêu và KPI rõ ràng cho từng vị trí triển khai.
Về marketing, có nhiều rất nhiều lý thuyết và kiến thức anh chị có thể áp dụng. Cá nhân Tùng vẫn đánh giá cao lý thuyết marketing kết hợp 4P – 4C và thường xuyên áp dụng nó vào công việc tư vấn của bản thân. Anh chị chủ doanh nghiệp có thể tìm hiểu thêm về 4 cặp P-C này hoặc inbox trao đổi thêm với Tùng.
️🎯 Bước 5. Action plan.
Cuối cùng, sau tất cả mọi sự chuẩn bị, việc của bạn là phải tung sản phẩm ra, bán được hàng và thu được tiền về.
Nghiên cứu thị trường như chiếc la bàn, Xây dựng thương hiệu như căng lên những cánh buồm, Kế hoạch sales-marketing như tấm bản đồ... việc của bạn bây giờ là RA KHƠI, đưa con thuyền khởi nghiệp của bạn ra biển lớn, cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ. Chắc chắn hoạt động kinh doanh của bạn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự chuẩn bị đầy đủ và bài bản từ đầu, bạn sẽ có đủ cơ sở để linh hoạt đối đầu với khó khăn, để đưa doanh nghiệp của mình vượt qua và vươn xa. Và bạn có thể nhớ, trên hành trình đó, Tùng luôn sẵn sàng tư vấn đồng hành cùng với bạn, vừa như một chuyên gia nhưng cũng vừa như một người đồng đội.
Tác giả: Thanh Tùng - KNVN
Tôi muốn trao đổi thêm cùng tác giả? haiguide0102@gmail.com
Trả lờiXóa