5 cách khởi nghiệp với ít vốn - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

5 cách khởi nghiệp với ít vốn



5 cách khởi nghiệp với ít vốn


Bạn có một ý tưởng tỷ đô trong đầu. Hay triệu đô, hay gì gì đó. Ý tưởng của bạn rất tốt, và bạn muốn chứng tỏ giá trị của nó. Đây chính là giai đoạn mà các start up chết yểu - trước cả khi nó bắt đầu. Bởi trở ngại lớn nhất cho việc gieo mầm ý tưởng chính là vốn.

Hầu hết các doanh nhân khởi nghiệp đều đã nghe đến các công ty đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần. Facebook đã bắt đầu như thế mà, đúng không? Vậy tại sao không phải là bạn? Sự thật rất khó và hiếm khi những người khởi nghiệp lần đầu nhận được tài trợ theo cách này. Trên thực tế, theo một số ước tính, có ít hơn một phần trăm các công ty khởi nghiệp được tài trợ bởi các nhà đầu tư thiên thần, và thậm chí một phần nhỏ của một phần trăm bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm.


Những vấn đề khi tìm nguồn vốn khởi nghiệp

Khi tìm nguồn vốn bên ngoài, nhiều người nghĩ đến gia đình hay bạn bè. Nhưng bạn có thực sự gia đình hay bạn bè bạn có khả năng và sẵn sàng bỏ ra 50.000, 100.000 đô la hoặc hơn để xem ý tưởng của bạn có đáng giá không? Vay được vốn từ ngân hàng cũng không triển vọng lắm, khi bạn phải thế chấp nhà cửa, tài sản cá nhân của mình. Chưa kể đến còn một vấn đề khác ngay cả khi bạn được tài trợ: phải bỏ quá nhiều quyền sở hữu công ty của bạn quá sớm. Bạn nhận được một tấm séc lớn, đổi lại mất đi 50% công ty, và sẽ hối hận cả đời.

Không may là những vấn đề này đang ngăn cản nhiều ý tưởng hay và sáng tạo. Nhưng nhiều doanh nhân không biết, đặc biệt là lần đầu khởi nghiệp, có những nguồn vốn có thể tiếp cận mà không có nhiều ràng buộc. Dưới đây là 5 cách bạn có thể bắt đầu việc kinh doanh của mình với một chút, hoặc thậm chí là không có tiền:

1. Trợ cấp chính phủ

Bạn có biết bạn có thể tìm tiền tài trợ cho việc khởi nghiệp của mình từ chính quyền liên bang, tiểu bang, khu vực và cả cấp thành phố không? Và họ thậm chí còn không đòi cổ phần công ty bạn. Mặc dù việc được cấp bao nhiêu còn tùy từng nơi, nhưng đầu tư vào startup đang trở thành một mô hình đổi mới về cách chính phủ khuyến khích phát triển kinh tế. Đầu tư vào một startup kì lân trong khu vực, nó sẽ tạo việc làm và thu hút nhân tài cho khu vực đó.

Ví dụ, sản xuất rất quan trọng với bang Ohio, vậy nên họ thành lập Chương trình Sản xuất Tiên tiến. cung cấp các khoản tài trợ lên đến 500.000 đô để thúc đẩy đổi mới trong sản xuất. Louisiana, một bang có cảng quốc tế lớn và là trung tâm vận chuyển, cung cấp các khoản tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ để thúc đẩy xuất khẩu.

Những kiểu trợ cấp tập trung này tồn tại ở các bang khác nhau và trên nhiều lĩnh vực công nghiệp, ở cả cấp tiểu bang và liên bang. Ví dụ Quỹ Khoa học Quốc gia tài trợ cho khoảng 11.000 đề nghị mỗi năm trải rộng khắp mọi lĩnh vực từ sinh học cho đến các dự án liên quan đến khí hậu.

Chương trình xuất khẩu STEP của ban Phát triển Kinh thế Louisiana cung cấp các khoản hoàn trả cho doanh nghiệp mới xuất khẩu hoặc bắt đầu mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể nhận tới 6.000 đô la cho những thứ như phí gian hàng triển lãm, đi lại và các bữa ăn liên quan đến kinh doanh.

Cuối cùng, chương trình Voucher Quỹ Đổi mới Sản xuất của Connecticut cung cấp các khoản tài trợ lên tới 50.000 đô giúp chi trả cho công nghệ mới, chuyên môn hay phát triển nguyên mẫu.

Không cấn biết bạn cần nhiều tiền đến đâu, hay bạn hoạt động ở lĩnh vực nào, luôn có khả năng có một khoản tài trợ đâu đó có thể cung cấp đủ tiền để ý tưởng của bạn hoạt động. Mặc dù đôi khi có những quy định nhất định mà bạn phải đáp ứng (ví dụ như phải cung cấp báo cáo mở rộng hay phải hoàn thành một vài biểu mẫu), bạn sẽ không phải bỏ bớt cổ phần công ty để đổi lấy tài trợ.

2. Crowdfunding (Huy động vốn từ cộng đồng)

Bạn có thể đã nghe đến Kickstarter hoặc GoFundMe, nhưng coi chúng như các nền tảng dễ thương cho các nghệ sĩ. Bạn sẽ bất ngờ khi biết Kickstarter đã chứng kiến hơn 4,3 tỉ đô la được cam kết. Nếu bạn cần tiền để khởi nghiệp, chẳng hạn 20.000 đô để phát triển ứng dụng đi, huy động vốn từ cộng đồng có thể là câu trả lời. Đổi lại, bạn sẽ trả bằng việc cung cấp dịch vụ hay sản phẩm, nhưng bạn cũng không mất bớt cổ phần, không phải trả lãi, và còn phát triển sớm được một cộng đồng khách hàng tiềm năng nữa.

Một vài nền tảng crowdfunding đặc biệt tài trợ cho các công ty khởi nghiệp, trong khi một số khác chỉ đơn giản mở để huy động tiền cho bất kì mục đích nào. Fundable, được thành lập bởi các cựu doanh nhân và tập trung vào việc huy động nguồn vốn từ cộng đồng cho startup, đã có được 80 triệu đô la cam kết tài trợ chỉ trong năm đầu tiên. Và Indiegogo, một nền tảng khác đã huy động được hơn 1 tỉ đô la tài trợ cho hơn 650.000 dự án.

Nếu crowdfunding đủ sức giúp Oculus, nhà sản xuất kính thực tế ảo mà cuối cùng đã được Facebook mua lại, thì sao nó lại không thể giúp bạn?

3. Tăng tốc khởi nghiệp

Bạn có thể nghĩ các chương trình tăng tốc khởi nghiệp chỉ chấp nhận bạn nếu bạn chịu đánh đổi bằng quyền sở hữu công ty, nhưng thực tế không hẳn như vậy. Có nhiều chương trình cung cấp cho bạn cả nguồn lực và những hướng dẫn chuyên sâu tương tự, mà không cần đổi lại bằng cổ phần công ty.

Chương trình tăng tốc khởi nghiệp RESET Impact ở Hartford, Conn., cung cấp một chương trình chuyên sâu 4 tháng, trang bị cho các doanh nhân những kĩ năng và nguồn lực cần thiết để phát triển việc khởi nghiệp của mình. Không cần chi phí, và cũng không đòi hỏi cổ phần công ty. Điều duy nhất cần thiết là bạn phải sống ở Hartford.

MassChallenge ở Boston, là một chương trình tăng tốc không cần chi phí và vốn chủ sở hữu cho các công ty mới thành lập thuộc các lĩnh vực khác nhau. Không những không thu bất kỳ chi phí nào của người tham gia, Masschallenge còn trao giải thưởng tiền mặt lên tới 1 triệu đô. Những người từng tham gia chương trình đã có thể định vị được sản phẩm, học những kĩ năng cần thiết, xây dựng những mối quan hệ quan trọng và tiếp tục huy động được khoản tài trợ lên tới hơn 2.5 triệu đô.

Thử nhìn quanh xem, có thể bạn sẽ ngạc nhiên về những chương trình ngoài kia có thể biến ý tưởng của bạn thành hiện thực mà bạn phải đổi lại rất ít hoặc không gì cả.


4. Các cuộc thi

Từ khi Shark Tank ra mắt, các cuộc thi khởi nghiệp nổi lên khắp nơi với những cơ hội giải thưởng khác nhau. Và không giống như Shark Tank, nhiều trong số đó không có kết cục là bạn phải từ bỏ một phần quyền sở hữu công ty hay phải trả cho những người được gọi là Mr. Wonderful một mớ tiền lãi. Cuộc thi Urban Future Prize ở New York chẳng hạn. Hai người chiến thắng nhận 50.000 đô tiền mặt, cộng thêm được tham gia luôn vào một chương trình vườn ươm khởi nghiệp. Mặc dù cuộc thi này chỉ tập trung vào cleantech, nhưng khả năng cao là cũng có một cuộc thi tương tự cho lĩnh vực của bạn, giải thưởng có khi từ 10.000 đến cả triệu đô trong vài trường hợp.

Chương trình Tuần Lễ Khởi Nghiệp ở San Diego cũng có nhiều cuộc thi cho các công ty đang ở giai đoạn ý tưởng hoặc mới hình thành, với giải thưởng tiền mặt từ 1.000 đô. Sự kiện khởi nghiệp hàng đầu của San Diego này cũng cung cấp những hội thảo, workshop giúp các doanh nhân chuẩn bị những thứ cần thiết trước khi bắt đầu. Show Elevator Pitch của tạp chí Entrepreneur cũng cung cấp nhiều thỏa thuận khác nhau cho người chiến thắng.

5. Các trường đại học

Các trường đại học có các khoản tài trợ cho sinh viên, giảng viên và cựu sinh viên, cũng như cung cấp các nguồn lực mà các startup mơ ước. Dù bạn có là sinh viên năm nhất hay một giảng viên kì cựu, chỉ cần bạn có liên quan đến trường đại học, bạn có thể có cơ hội huy động khoản vốn bạn cần mà không có những hạn chế thông thường.

Khoa học đời sống có một rào cản gia nhập cực kỳ tốn kém đối với các công ty khởi nghiệp, nhưng các trường đại học cung cấp cơ sở nghiên cứu và có thể kết nối các doanh nhân với các công trình nghiên cứu để thúc đẩy ý tưởng của họ. Trường đại học Nam Carolina thậm chí còn tổ chức một cuộc thi riêng, tên là The Proving Ground, mà sinh viên và cựu sinh viên có thể nhận được tới 17.500 đô la tiền mặt để hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Thực tế có vẻ như ngày nay trường đại học nào cũng tổ chức một cuộc thi riêng, từ những tên tuổi lớn như Harvard và MIT tới những trường của bang như Đại học Georgia.

Nhưng các trường đại học còn đang làm nhiều hơn là việc chỉ trao giải thưởng - nhiều trường còn còn hỗ trợ khởi nghiệp một cách toàn diện. Chương trình iLab của Đại học Virginia là một ví dụ, cung cấp các khoản tài trợ trực tiếp, cố vấn, một vườn ươm khởi nghiệp, và thậm chí cả không gian làm việc chung. Văn phòng Nghiên cứu Hợp tác của Đại học Yale đã trao 18 khoản tài trợ startup trị giá 100.000 đô la mỗi khoản để thu hẹp quãng đường từ nghiên cứu giai đoạn đầu đến các sản phẩm y sinh thành công (điều này còn tạo đòn bẩy để họ gọi được thêm 103 triệu đô từ các nguồn khác).

Các doanh nhân không nghĩ đến việc chính phủ sẽ hỗ trợ họ, hoặc sẽ có thể nhận những khoản tài trợ không ràng buộc. Bản năng đầu tiên của họ là tìm tới các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các nhà đầu tư thiên thần, và khi việc này không thành công, thì sẽ vay vốn với lãi suất cao. Những công cụ phát triển kinh tế này có thể là chìa khóa giúp hiện thực hóa những ý tưởng bạn đã ấp ủ từ lâu. Hơn nữa, với những khoản tiền miễn phí như vậy, bạn cũng đâu có mất gì?

-------------------------------------------
Tác Giả: Phạm Minh Giám dịch thuật - KNVN 

Không có nhận xét nào