10 THỦ THUẬT ĐƠN GIẢN ĐỂ LUÔN VIẾT HAY NÓI GIỎI – Kỳ 2 - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

10 THỦ THUẬT ĐƠN GIẢN ĐỂ LUÔN VIẾT HAY NÓI GIỎI – Kỳ 2

Thủ Thuật Số 2:
ĐƠN GIẢN là THƯỢNG SÁCH!
Phan Nguyễn Khánh Đan - Nghệ Thuật Viết Quảng Cáo 2013 10 24
Như tôi đã chia sẻ ở phần trước, việc sử dụng những từ ngữ học thuật, đao to búa lớn trong giao tiếp chẳng khiến cho bạn thông minh hơn mà còn có thể gây tác dụng ngược, khiến người đối diện bực mình hoặc bỏ đi vì không hiểu bạn nói gì.

Viết quảng cáo để bán sản phẩm cho công chúng mà lại đi dùng những thuật ngữ chuyên ngành chỉ có dân kỹ thuật trong ngành mới hiểu thì, xin lỗi, đừng trách sao người tiêu dùng không mua – khi mà họ không thể hiểu bạn viết gì, thành ra không hiểu luôn mình được lợi lộc gì phải bỏ tiền mua “cục sắt” của bạn.
Ví dụ:
Một câu quảng cáo sử dụng thuật ngữ chuyên môn:
“Máy lạnh của chúng tôi dùng công nghệ Inverter tiết kiệm năng lượng và nó sẽ giúp bạn có những ngày hè mát mẻ.”
Và một mẩu quảng cáo chuyển hóa mọi thuật ngữ chuyên môn thành những Lợi Ích Cụ Thể, Dễ Hiểu và Thông Dụng đối với người bình thường:
“Với máy lạnh của chúng tôi, bạn không chỉ tiết kiệm được 50% tiền điện mỗi thángnhờ vào công nghệ Inverter, mà mùa hè của bạn sẽ trở thành một kỳ nghỉ mát tuyệt vời ở thành phố hoa Đà Lạt đầy mộng mơ.”
Câu nào thuyết phục bạn hơn?
Ví dụ khác:
Một câu quảng cáo chị tập trung vào thông tin “thô” giống như các đối thủ khác:
“Chiếc áo đầm dạ hội này được làm bằng chất liệu cotton dịu nhẹ và bền, với màu hồng honeysucker đang là mốt hiện nay và hoa văn celtic nhẹ nhàng nhưng nổi bật…”   
Chuyển hóa thành lợi ích khách hàng bằng ngôn ngữ thông dụng:
“Khoác chiếc áo này lên, bạn sẽ ngay lập tức trở thành cô gái Xinh Đẹp Nhất, Nổi Bật Nhất và Thu Hút Mọi Ánh Nhìn Nhất trong bữa tiệc bất kể những cô nàng khác mặc thứ gì đi chăng nữa.”
Trong số hai câu trên, đâu mới là câu quảng cáo cho bạn động lực và lý do để mua sản phẩm?
Bài học rút ra ở đây: Bạn muốn người khác làm điều gì cho mình, hãy nói thẳng điều đó, bằng những từ ngữ thông dụng và đơn giản nhất có thể!
(Xin nói thêm là điều này có thể được áp dụng cả trong giao tiếp thông thường, trong các mối quan hệ công việc lẫn tình cảm. Giao tiếp trong công sở đòi hỏi độ chính xác và ngắn gọn để tiết kiệm thời gian và chi phí. Còn trong các mối quan hệ tình cảm, các bạn gái muốn bạn trai hiểu mình thì tốt nhất là nên diễn đạt rõ ràng và trực tiếp những gì các bạn muốn – như thế tốt hơn là cứ vòng vo tam quốc rồi sao đó lại giãy nãy khi người ta không hiểu.)
Cuối cùng, giao tiếp hiệu quả còn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh, văn hóa và xuất thân của người giao tiếp và người đọc/người nghe. Văn hóa Việt Nam vốn không ưa chuộng việc giao tiếp “thẳng ruột ngựa” như văn hóa phương Tây, trong khi hầu hết các lý thuyết quảng cáo được giảng dạy trong nhà trường cũng như sách vở hiện nay đều xuất phát từ các nước phương Tây. Do vậy, để có thể giao tiếp, viết lách và quảng cáo hiệu quả ở Việt Nam, hãy lưu ý đến bối cảnh và sử dụng ngôn từ thật khéo léo, linh hoạt và phù hợp với đối tượng độc giả hoặc người nghe.
*Kỳ tới: “Cụ Thể vô ưu”!        
.
~ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan
Dịch giả của sách “Sát thủ quảng cáo” và nhiều tựa sách kinh tế có giá trị khác
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức 
Admin hệ thống website Nghệ Thuật Viết Quảng Cáo

Không có nhận xét nào