Mr Banuli - Sinh viên Kiến Trúc - Khởi Nghiệp Giày da
Câu chuyện khởi nghiệp: từ một sinh viên Kiến trúc đến công ty cổ phần giày da, suýt chút phá sản, và bây giờ đặt mục tiêu đến hết 2020 đạt được 6 cửa hàng đại lý độc quyền.
Tôi là Nguyễn Văn Hoang (hay còn gọi là Mr Banuli) sinh năm 1990. Xuất thân từ gia đình nghèo khó (nghèo không có mồng tơi để rớt) ở quê hương Bình Định. Là 1 sinh viên chuyên ngành Kiến Trúc, bỏ đồ án tốt nghiệp theo đuổi đam mê, bây giờ là chủ thương hiệu Banuli có nhà máy sản xuất và chuỗi cửa hàng đại lý độc quyền.
- Yêu cái đẹp, đam mê các sản phẩm từ da và trong người đã có sẵn máu kinh doanh
Năm 2014 khi còn là sinh viên đại học, tôi đã từng tự tìm hiểu và làm túi handmade để bản thân mình sử dụng. Sau đó bạn bè cũng đặt hàng ủng hộ, và khuyên tôi làm để bán trên các trang thương mại điện tử, nhưng với mức giá khoảng 3 triệu đồng thì khó tiếp cận được khách hàng, nên vẫn chưa phát triển được nhiều hơn.
Đầu năm 2015, tôi cùng nhóm bạn tham gia thiết kế chùa Việt Nam Quốc Tự. Nung nấu một ý định khởi nghiệp, tôi đã quyết định rủ 1 người bạn cùng nhau góp vốn mở 1 cửa hàng thời trang. Chúng tôi chạy khắp quận 12, Hóc Môn để tìm các xưởng may nhưng không tìm được xưởng may theo mong muốn, vô tình tìm thấy xưởng đóng giày hộ gia đình. Sau thời gian trằn trọc suy nghĩ về cái duyên của nghề giày, niềm đam mê kinh doanh đã thôi thúc tôi quyết định đi bán giày.
Vừa đi làm tại văn phòng thiết kế vừa hoàn tất các môn học, không có nhiều thời gian nhưng sau 17h mỗi ngày tôi lại cùng con xe cùn rong rủi khắp thành phố, mang 1 bao tải mẫu giày đi khắp các con phố Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ để chào hàng nhưng chỉ có 1 cửa hàng nhập chỉ 5 đôi.
Vẫn chưa bỏ cuộc, năm đó là thời điểm bùng nổ của internet và mạng xã hội, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về internet. Chưa có website, nhưng tôi lại tìm hiểu cách để tiếp cận khách hàng trên Google, việc mà dân chuyên nghiệp hay gọi là SEO. Và khách hàng tiếp cận và biết đến tôi như 1 xưởng sản xuất. Từ đó tôi bắt đầu có những người khách chiến lược, họ kinh doanh bán hàng qua Facebook. Lúc đó là thời điểm vàng son cho những ai kinh doanh bán hàng trên Facebook. Họ kinh doanh thuận lợi nên đặt hàng thường xuyên, 5-7 ngày tôi có thu nhập 4-5 triệu đồng.
- Xưởng sản xuất tạm và cũng là ý niệm về nhà máy sản xuất trong tương lai
Khoảng thời gian này có 1 đơn hàng mà tôi nhớ mãi, đó là đơn hàng sản xuất hàng nghìn dây lưng phụ kiện cho váy công sở xuất đi Nhật. Lúc đó trong tay tôi chỉ có khoảng 17 triệu đồng tiền tích góp (vì hầu như số tiền tôi làm ra phần lớn là sinh hoạt và trả nợ tiền vay đi học thời sinh viên). Các xưởng sản xuất nhỏ ở HCM đều không xử lý được vấn đề nguyên liệu nên họ không nhận. Tôi đã thử làm mẫu, dựa vào các mối quan hệ tôi đã tìm được lò thuộc da, họ có thể cung cấp cho tôi da có độ dày 3-4mm. Tôi lại tiếp tục tìm nơi sơn da, sơn màu trắng nên nhiều nơi họ không nhận sơn vì màu này dễ vây bẩn. Đầu khóa thì tôi lại đi đặt làm mẫu ở xưởng làm inox rồi mang đi xi mạ màu đồng. Mẫu đã được duyệt, thương lượng giá thành công nhưng khi sản xuất lại gặp khó khăn về vốn. Thấy tôi chân thật nên đối tác họ đã đồng ý đặt cọc 70% số tiền để tôi đầu tư sản xuất. Nhận tiền cọc tôi đã thuê 1 phòng trọ 12m2 ở Biên Hòa. Tự đặt cơ khí chế máy cắt dây nịt made in Vietnam, và mua thêm 1 cái máy may. Bàn kệ thì mua ván ép, sắt bắt ốc làm kệ. Và đó là cái xưởng sản xuất đầu tiên của tôi. Nhờ người thân hỗ trợ nên đơn hàng đã giao hàng thành công.
- Quyết định bỏ đồ án tốt nghiệp theo đuổi ngành giày
Cuối năm 2015 chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, tôi quyết định bỏ tốt nghiệp và tập trung toàn thời gian cho công việc kinh doanh. Gia đình và bạn bè khuyên tôi cố gắng lấy cái Bằng Tốt nghiệp rồi kinh doanh. Tôi nghĩ thời điểm này thích hợp nhất để tôi bắt đầu toàn tâm cho việc kinh doanh, vì nếu sau gần 1 năm làm đồ án tốt nghiệp, liệu tôi còn động lực như bây giờ không, và có còn nhiều cơ hội cho tôi như bây giờ không? Tôi nói với mẹ tôi: “Con sẽ không bao giờ thất nghiệp dù có bằng đại học hay không”. Và tôi bắt đầu bán hàng online, cửa hàng đầu tiên của tôi là căn nhà cấp 4, trong hẻm với diện tích chỉ 16m2.
- Lựa chọn người đồng hành, xây dựng đội ngũ
So với những người kinh doanh online thời điểm đó tôi chưa là gì, nhưng so với lương tháng 7 triệu thì thu nhập bây giờ tốt hơn nhiều. Tôi đã chứng minh điều đó và đã thuyết phục được em trai của mình đang làm kỹ sư xây dựng chuyển sang kinh doanh giống như tôi. Vào khoảng năm 2016 thì cậu ấy chuyển sang kinh doanh online như tôi, sau thời gian ngắn thì cậu ấy cũng kinh doanh đạt hiệu quả. Vào khoảng đầu năm 2017 thì anh trai tôi cũng đang làm kỹ sư xây dựng chuyển sang kinh doanh online mảng giày luôn.
Nhận thấy 3 anh em cùng kinh doanh 1 dòng sản phẩm, nên vào tháng 5 năm 2017 tôi và anh trai đã sáp nhập và thành lập công ty Cổ phần quốc tế xây dựng thương giày Banuli (thời điểm đó có tên là Bernuli). Mở cửa hàng điểm bán offline đầu tiên ở đường Quang Trung, Gò Vấp. Tôi nhận tấy chất lượng sản phẩm không phù hợp để xây dựng một thương hiệu xứng tầm nên công ty đã thiết lập nhà xưởng sản xuất để tự sản xuất.
Đầu năm 2018 thì người em trai cũng đã sáp nhập vào chung công ty. Tiếp tục mở cửa hàng thứ 2 tại Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận. Giai đoạn này công ty vừa xây dựng quy trình sản xuất, vừa xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng, kèm theo đó là phát triển đội ngũ bán hàng online.
- Khó khăn, thử thách khi mở rộng quy mô
Không phải chuyên ngành giày, mà tôi đã mạnh dạn thiết lập nhà xưởng sản xuất. Cái giá phải trả cho giai đoạn này khá đắt, đó là sản phẩm tuy có thiết kế sang trọng, mẫu mã có sự nghiên cứu và đầu tư, nhưng quá trình sản xuất gặp nhiều lỗi. Phải làm và tung ra thị trường mới biết được khách hàng cần gì, sửa gì, cần khắc phục gì.
Sai lầm lớn nhất giai đoạn này là công ty sản xuất 1 lô giày mà nguyên liệu đế bị kém chất lượng. Tôi nghĩ nguyên liệu nhập từ Thái Lan nên sẽ có chất lượng tốt, nhưng ngược lại. Thế là công ty phải thu hồi hết tất cả hàng hóa làm từ chất liệu đế đó đang bán ở cửa hàng để thay toàn bộ đế lại. Và tất cả khách hàng đã mua phải hàng kém đó đều được thay mới. Đầu năm 2019 thì công ty đã mở 1 cửa hàng thứ 3 tại Đà Nẵng.
- Mâu thuẩn nội bộ, thay đổi mô hình phát triển
Do 3 anh em tính cách trái ngược nhau, mỗi người mỗi cá tính, nên thường xuyên bất đồng quan điểm, không có cùng tiếng nói chung. Đầu năm 2020 tôi đã mua lại toàn bộ cổ phần của hai cổ đông còn lại. Tuy nhiên vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp và vẫn còn đam mê kinh doanh giày, nên anh và em trai tôi tuy không còn là cổ đông của công ty nhưng vẫn làm hai đại lý lớn phân phối và kinh doanh tại 2 cửa hàng lớn ở HCM. Cùng đợt tái cấu trúc này tôi đã nhượng quyền lại cửa hàng ở Đà Nẵng cho đại lý ở Đà Nẵng quản lý và kinh doanh. Tiếp sau đó trong tháng 3 năm 2020 cùng lúc công ty ký hợp đồng và khai trương 2 cửa hàng nhượng quyền: 1 ở HCM, và 1 ở Quảng Bình.
- Được và mất, bài học rút ra
Sau 5 năm khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, tôi thấy mình có 1 đam mê về giày da, càng khát khao xây dựng một thương hiệu thời trang Việt đúng ngang tầm thế giới. Tôi thấy đam mê với công việc kinh doanh của mình, thấy anh em người thân của mình cũng thay đổi theo và phát triển, nên mình càng thích hơn.
Tôi hy vọng rằng thương hiệu Banuli sẽ càng được nhiều người biết tới, nhiều khách hàng đón nhận. Xa hơn nữa tôi muốn thương hiệu Việt sẽ được bạn bè thế giới công nhận.
Cuối cùng, lời khuyên cho những bạn sẽ khởi nghiệp đó là nguồn vốn lớn nhất để khởi nghiệp đó là chính là bạn, chứ không phải tiền. Hãy biết cách chọn người đồng hành cho phù hợp, đúng người đúng việc. Và cuối cùng là mọi khó khăn thất bại chỉ là thử thách trên bước đường thành công. Tuy tôi chưa thành công nhưng tôi nghĩ nếu tôi muốn đến thành công thì tôi phải trải qua thất bại.
Nguồn : Group Khởi Nghiệp Việt Nam
Post a Comment