3 BÀI HỌC VƯỢT THỜI GIAN từ VỊ CHA ĐẺ CỦA NGÀNH QUẢNG CÁO – Bài Học Số 5b
BÀI HỌC SỐ 5 – “GIỎI NGOẠI NGỮ” – PHẦN 2
Nhắc lại câu nói của Ogilvy:
“Nếu bạn đang cố gắng thuyết phục một ai đó làm một điều gì đó, chẳng hạn như mua sản phẩm của bạn, bạn nên dùng Ngôn Ngữ của họ để giao tiếp, thứ Ngôn Ngữ mà họ dùng trong cuộc sống hàng ngày của họ, thứ Ngôn Ngữ mà họ dùng để tư duy. Chúng ta phải viết quảng cáo bằng tiếng địa phương.”
Ở phần trước, tôi đã giải thích ý nghĩa câu nói trên thông qua nghĩa bóng của nó: Rằng khi bạn muốn thuyết phục hoặc đàm phán với một người nào đó – cụ thể là ở đây mời gọi khách hàng mua hàng – thì hãy sử dụng ngôn ngữ của họ. Đặt bản thân mình vào vị trí của khách hàng và tư duy, suy nghĩ như họ. Khi họ cảm thấy đồng cảm và quý mến bạn, họ sẽ hài lòng và mua hàng của bạn.
Như đã giới thiệu từ trước, hôm nay tôi sẽ giải thích nghĩa đen của bài học “Giỏi ngoại ngữ”: Một copywriter giỏi nên biết ít nhất một ngoại ngữ bên cạnh tiếng mẹ đẻ của mình.
Lý do thứ nhất là do nhu cầu thực tế. Nghề copywriter ở Việt Nam tuy đã tồn tại được một thời gian khá dài, nhưng vẫn còn là một nghề khá mới mẻ. Phần lớn người Việt Nam kinh doanh nhỏ hoặc vừa, nên thường thì chỉ các công ty lớn hoặc công ty nước ngoài mới cần đến vị trí copywriter. Nếu bạn có khả năng viết/copywriting bằng tiếng Anh, xem như bạn có thêm lợi thế và sự lựa chọn để làm việc cho công ty nước ngoài với mức lương cao.
Lý do thứ hai, ở Việt Nam hiện nay chưa có hệ thống lý thuyết, giáo trình hay trường lớp đào tạo bài bản cho nghề copywriter, quảng cáo hay marketing nói chung. Hầu hết người làm nghề này đều thông qua tự học hoặc xuất thân có kỹ năng viết tốt. Tôi có thể nói thẳng rằng, phần lớn những khóa học copywriter ở Việt Nam hiện có trên mạng hay trong các trung tâm cũng đều chạy theo nhu cầu, hoặc dạy theo kinh nghiệm cá nhân của một vài người, chứ không xuất phát từ những giáo trình bài bản của các nước đã phát triển ngành này. Các khóa học chỉ dạy bạn chữ nghĩa hoặc kỹ thuật mang tính chiêu thức, chứ không dạy bạn Tư Duy hay phương pháp làm việc của một nhà quảng cáo chuyên nghiệp.
Vậy nên, nếu bạn thực sự muốn học nghề này một cách bài bản và đúng chuẩn từ gốc rễ, thì cách tốt nhất chính là giỏi tiếng Anh, để có thể tìm đọc những quyển sách học copywriting ở các trường đào tạo marketing có uy tín trên thế giới, hoặc được viết bởi những huyền thoại ngành quảng cáo như Robert Collier, Victor O. Schwab, David Ogilvy, John Caples,…
Lý do cuối cùng, và theo tôi thì đây chính là lý do quan trọng nhất: Ngôn ngữ không chỉ là những gì bạn nói hay bạn viết. Ngôn ngữ gắn liền với văn hóa, với hành vi, với tư duy con người. Bạn giỏi một ngôn ngữ nào đó, bạn cũng đồng thời thấm nhuần được nền văn hóa đằng sau nó, và thấu hiểu được tư duy của người sử dụng ngôn ngữ đó. Điều này áp dụng cho bài học “Giỏi ngoại ngữ” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Cứ thử một lần sử dụng những từ ngữ của “lũ teen choai choai”, bạn sẽ thấy điều đó thú vị như thế nào, và hiểu được vì sao lứa tuổi đó lại có sở thích sử dụng từ ngữ như vậy. Và khi bạn hiểu được động cơ đó, bạn sẽ thấu hiểu suy nghĩ của teen, đặt mình vào vị trí của họ và dư sức viết được một mẩu quảng cáo cho đối tượng khách hàng này.
Tương tự, nếu như tiếng Việt là ngôn ngữ của sự linh hoạt và cảm tính, thì tiếng Anh là ngôn ngữ của lý trí và các giao dịch sòng phẳng. Giỏi tiếng Anh, bạn sẽ học được kỹ năng tư duy logic, khả năng hệ thống hóa và diễn đạt rõ ràng ý tưởng của mình. Đây là điều mà chính bản thân tôi trải nghiệm được.
Việc giỏi tiếng Anh đã gần như thay đổi cuộc sống của tôi. Mỗi khi phải trình bày một ý tưởng nào đó, việc tư duy như một người Anh giúp tôi diễn đạt chặt chẽ và có cấu trúc rõ ràng hơn bao giờ hết. Và sự rõ ràng và thẳng thắn chính là một yếu tố vô cùng quan trọng trong viết quảng cáo: Bạn muốn khách hàng mua hàng của bạn, hãy nói thẳng điều đó – một cách khéo léo và lịch sự. Tiếng Anh dạy bạn khả năng tư duy như thế.
Tôi có thể cho bạn thêm nhiều ví dụ thú vị khác: Tiếng Latin – nền tảng của nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới – được mệnh danh là “ngôn ngữ không thể lừa dối được”. Tiếng Latin dạy cho bạn tư duy trung thực và sẵn sàng đối diện với nội tâm của mình. (Đây cũng chính là lý do vì sao tiếng Latin vẫn được dùng trong nhà thờ hay lễ xưng tội, để đảm bảo sự trung thực trong từng câu chữ). Tương tự như thế, nếu như tiếng Pháp dạy cho bạn sự hoa mỹ và tinh tế trong lời ăn tiếng nói, thì tiếng Tây Ban Nha sẽ giúp bạn tư duy phóng khoáng hơn, giải phóng được những ý tưởng sáng tạo của mình.
Tôi hy vọng là phần trình bày trên đây cung cấp cho bạn đủ lý do và động cơ để nỗ lực học tốt ít nhất một ngoại ngữ cho riêng mình. Dù bạn làm copywriter hay bất cứ nghề gì, “Giỏi ngoại ngữ” chính là một chiếc chìa khóa không thể thiếu giúp bạn mở toang cánh cửa của Thành Công. Nó không chỉ giúp bạn có thêm nhiều sự lựa chọn trong cuộc sống. Mà ngôn ngữ cũng chính là cuộc sống, giúp bạn làm chủ cuộc sống của chính mình, và thấu hiểu được con người.
*Tái bút: Người chia sẻ bài này – Phan Nguyễn Khánh Đan – đã lấy chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5 vào năm 2012. Làm dịch thuật và tổng hợp bài viết cho tạp chí Sức Khỏe & Đời Sống của Bộ Y Tế từ năm 2010, là dịch giả của nhiều tựa sách best-seller về viết quảng cáo và nhận được học bổng du học thạc sĩ (bán phần) của trường ĐH Curtin (Singapore).
KỲ TỚI: BÀI HỌC SỐ 6 – THẾ NÀO LÀ NHỮNG COPYWRITER “NGUY HIỂM”?
Post a Comment