Cách tốt nhất để thực sự chiến thắng
Một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính chia sẻ bài học kinh doanh đắt giá: Đôi khi cách tốt nhất để chiến thắng là phải biết cách từ bỏ để tiếp tục tiến về phía trước.
David Kleinhandler – nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty dịch vụ tài chính Vest Financial Group (New York, Mỹ) nhận định, dấu hiệu của một doanh nhân thành công, một đầu óc kinh doanh tuyệt vời không phải là chưa bao giờ thất bại, mà là chưa bao giờ để sự thất bại xác định con người họ. Câu hỏi cần đặt ra là, làm thế nào để làm điều đó?
Bằng cách… từ bỏ. Biết khi nào nên bỏ qua thất bại để tiếp tục tiến về phía trước là một trong những yếu tố hữu ích nhưng thường bị đánh giá thấp trong số những bí quyết kinh doanh. Không chịu từ bỏ khi cần thiết nghĩa là chấp nhận để cho “con tàu doanh nghiệp” bị chìm. Ngược lại, doanh nhân đang làm điều tốt nhất cho chính họ và cả đội ngũ khi đặt dấu chấm hết cho một ý tưởng trước khi nó trở thành thảm họa.
“Đây được gọi là “sự từ bỏ mang tính xây dựng”. Về cơ bản, nó không phải là thất bại, mà giúp cho bạn hướng đến việc xây dựng một cái gì đó tốt hơn. Sự khác nhau giữa “sự từ bỏ mang tính xây dựng” và thất bại thực sự là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu biết dừng đúng lúc và đúng cách, một thất bại tạm thời sẽ trở thành bước đầu tiên cho một điều gì đó tốt hơn”, Kleinhandler cho biết.
Điều này nghe có vẻ phi lý, đặc biệt là khi doanh nhân luôn được bảo rằng không bao giờ được từ bỏ khi xây dựng doanh nghiệp. Nhưng có một sự khác biệt giữa tham vọng mù quáng và thành công lâu dài thực sự. Đó là bài học kinh doanh đã liên tục xuất hiện trong nhiều thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực tài chính của David Kleinhandler, và ông cho rằng các doanh nhân khác cũng nên học hỏi nó.
Khi cơn bão ập tới
Tôi có thể thành công trong lĩnh vực của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là trên hành trình đã qua, tôi không gặp những giai đoạn khó khăn.
Việc xây dựng Công ty Vest đã trao cho tôi cơ hội để biến những bài học mình đã lĩnh hội thành hành động. Dĩ nhiên thoạt trông nó không giống như một cơ hội, mà giống như một nỗi gian khổ hơn.
Đó là vào thời điểm phải tái cơ cấu lại công ty, buộc tôi phải đưa ra những quyết định khó khăn nhất mà tôi chưa từng đối mặt trong hơn 25 năm sự nghiệp của mình. Bởi vì khi xây dựng Vest, chúng tôi muốn tạo nên một công ty tài chính toàn diện. Tôi đã thiết lập tầm nhìn hoàn hảo cho Công ty, và dù thiếu chiến lược xâm nhập thị trường, tôi vẫn… kiên quyết không lùi bước. Tôi đã phạm vào lỗi chung của rất nhiều doanh nhân: đề cao những tham vọng của mình hơn tính khả thi. Có những cách làm từng rất hiệu quả trong quá khứ, nhưng thực tế mọi thứ lại khác biệt quá nhiều so với những gì chúng tôi kỳ vọng.
Tôi tự hào về khả năng xây dựng đội ngũ của mình, vì vậy tôi đã không nhận ra ngay lập tức rằng một nhóm do tôi xây dựng đang hoạt động không tốt. Đến một thời điểm, tôi nhìn lại toàn bộ công ty và thậm chí xem xét đến khả năng dẹp bỏ mọi thứ. Cuối cùng, tôi chọn cách rời khỏi vị trí CEO.
Nhìn lại, đó là điều đúng đắn, bởi vì với một đội ngũ mới, nó giúp chúng tôi tiếp tục tiến về phía trước một cách năng suất. Nhưng ở thời điểm đó, tôi đã cảm thấy như đây là một thất bại khủng khiếp. Làm sao tôi, sau nhiều thập kỷ phát triển thành công nhiều doanh nghiệp, lại để cho điều này xảy ra? Nó giống như lời phủ nhận tất cả những thành công trước đây của tôi.
Thực tế, nguồn gốc của cách tiếp cận đó là bởi vì tôi đang để cho niềm tự hào kiểm soát suy nghĩ của mình.
Điều nguy hiểm nhất: sự tự hào
Bạn là một doanh nhân bởi vì bạn nhìn thấy thấu suốt được một quá trình từ đầu đến cuối, bởi vì bạn có thể tạo ra những sản phẩm tốt nhất và sẵn sàng vượt qua ải địa ngục để đảm bảo mọi thứ vận hành tốt. Điều đó rất tuyệt vời! Niềm tin mạnh mẽ vào bản thân là một cách tư duy tốt để xây dựng doanh nghiệp. Nhưng cần biết rằng niềm tự hào đó cũng có thể trở thành kẻ thù tệ nhất của bạn, đặc biệt khi khó khăn xảy đến.
Cần phải có một sự khiêm tốn nhất định để đưa ra lựa chọn chấm dứt tổn thất và tái cấu trúc mọi thứ. Bạn đã đổ rất nhiều công sức để xây dựng một dự án và việc lùi lại một bước trông như một thất bại. Có thể nó đúng là như vậy, ở một khía cạnh nào đó, nhưng nó không phải là kiểu thất bại sẽ “đóng khung” bạn mãi mãi. Hãy nhớ rằng: Nếu công ty của bạn đang cực kỳ cần một sự tái cấu trúc, bạn sẽ không muốn mình là người cuối cùng biết được điều đó.
Quan trọng là thắng lợi trong cả cuộc chiến, không phải thắng từng trận đánh
Khả năng nhìn sự việc từ góc nhìn bên ngoài là mục đích của chánh niệm, và không phải ngẫu nhiên mà cách tiếp cận này rất có lợi cho giới làm kinh doanh. Bởi vì nó giúp bạn thực sự biết mình là ai, tại sao bạn lại suy nghĩ và hành động theo cách mà bạn đang làm. Đó là kỹ năng để xây dựng doanh nghiệp, đặc biệt là khi phải thực hiện “sự từ bỏ mang tính xây dựng”.
Bạn cảm thấy mình đã bỏ rất nhiều thời gian và tiền bạc để tạo nên doanh nghiệp này, và bạn tin tưởng một cách sai lầm rằng mình phải tiếp tục bằng mọi giá để biện minh cho nỗ lực đó. Điều này được gọi là “sự ngụy biện cho chi phí chìm” (được hiểu đơn giản là tiếp tục làm một việc gì đó vì đã đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức vào đó).
Chiến đấu với sự thôi thúc đó là phần khó khăn nhất để có thể từ bỏ. Nhưng bạn cần nhớ rằng: bạn có một mục tiêu, và đó là xây dựng doanh nghiệp thành công. Mọi thứ còn lại – những trận đánh nhỏ, những phương pháp bạn sử dụng – chỉ là thứ yếu.
Leo lên vị trí cao không phải việc dễ dàng, và sự phản ứng với khó khăn sẽ giúp định hình con người bạn. Niềm tự hào và sự bướng bỉnh ngu ngốc là cách chắc chắn sẽ chôn vùi doanh nghiệp của bạn trước khi nó đạt được bất kỳ thành tựu gì. Thay vào đó, ý thức được sự khác biệt giữa những gì công ty bạn cần và những gì bạn có thể vứt bỏ sẽ là bước chuẩn bị cho sự thay đổi thực sự hiệu quả. Học được cách từ bỏ đôi khi sẽ là cách tốt nhất để thực sự chiến thắng.
- sưu tầm -
Post a Comment