Báo chí - Kẻ vô tích sự trong cuộc chơi Content Marketing?
Đã từ lâu, người ta đã không còn quan tâm thông tin họ nhận được xuất phát từ tòa soạn của các hãng thông tấn hay từ các phòng PR. Họ chỉ cần biết, thông tin đó có khiến họ "thích thú" hay không.
Năm 2015, Coca-Cola có kế hoạch loại bỏ các thông cáo báo chí. Hãng giải khát khổng lồ tin rằng các trang web của công ty không còn phát huy tác dụng, và họ cũng không tiếp tục “đổ” tiền cho chương trình quảng cáo trên truyền hình. Thay vào đó, họ quyết định tự xây dựng nội dung quảng cáo cho chính mình.
Một bộ phim tự tay Volkswagen thực hiện tại một rạp chiếu phim Hồng Kông đã thu hút gần 29 triệu lượt xem trên YouTube. Hay khi truy cập vào trang web của Red Bull, người xem có thể tìm thấy những bức ảnh đẹp diệu kỳ, phim tài liệu ngắn, những tin tức mới nhất được cập nhật liên tục, và rất ít thông tin về nước tăng lực Red Bull. Cùng chung mục tiêu này với Coca-Cola, Nestlé, Chipotle, Volkswagen và vô số công ty khác đã liên tục rót tiền đẩy mạnh bộ phận tiếp thị của họ trong những năm gần đây. Phòng tiếp thị được xây dựng theo mô hình của các tòa soạn, cho “ra lò” những tạp chí hào nhoáng, mạng lưới blog, các trang mạng xã hội để đăng tải bài viết, bài báo có tính chất tường thuật và các video hấp dẫn.
“Thám hiểm” phòng tin tức Nestlé xây dựng để thúc đẩy công ty con Purina, chuyên sản xuất thức ăn cho chó mèo, cũng cho thấy sự phát triển như vũ bão của tiếp thị nội dung (Content Marketing). Mặc dù không hoàn toàn giống hệt nhưng phòng tin tức của tập đoàn này cũng mang những điểm đặc thù của phòng tin tức của các hãng báo chí.
Điều này cho thấy, không nhất thiết phải làm việc trong phòng tin tức của các hãng thông tấn mới có thể hiểu được thế giới sống động của phương tiện truyền thông xã hội.
Nhiều phòng truyền thông (PR) của các công ty đang nhanh chóng nhảy vào lĩnh vực tin tức. Họ là những người kể chuyện bậc thầy. Họ biết cách khéo léo kết nối với khán giả. Thêm vào đó, họ thuê những nhà báo có khả năng sáng tạo hàng đầu về “đầu quân” cho họ. Các phòng truyền thông của các tập đoàn đang ngày càng phát triển mạnh mẽ; trái lại, phòng tin tức của các hãng báo chí lại có dấu hiệu suy giảm rõ rệt.
Trong một buổi hội thảo về quảng cáo và tiếp thị nội dung, Giám đốc điều hành công ty phân tích mạng Chartbeat, Tony Haile đã lên tiếng giải đáp cho câu hỏi: “Liệu có phải là điều tệ hại khi các công ty đang sử dụng phòng tin tức làm vũ khí để vượt mặt các nhà báo?”
Câu trả lời của ông đã gây bất ngờ cho người tham dự chương trình. Ông cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy công chúng quan tâm đến việc nội dung là do phòng tin tức của các hãng thông tấn hay của các tập đoàn thương mại thực hiện. Đối với độc giả, họ chỉ đơn thuần quan tâm đến tính hữu ích mà các nội dung mang lại.
Một ví dụ rõ ràng minh chứng cho điều này là số lượng người theo dõi Facebook sản phẩm Beggin’ Strips của thương hiệu Purina là 1,2 triệu người, trong khi tờ báo tại quê nhà của Purina, St. Louis Post-Dispatch, lại chỉ có số lượng 120.000 người theo dõi, một con số rất khiêm tốn. Hơn nữa, một số phòng tin tức của các tập đoàn lớn thường sản xuất nội dung với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với các hãng tin truyền thống.
Điều đó không có nghĩa là tất cả những nội dung được các sản xuất tại phòng tin tức của các tập đoàn kinh doanh đều chất lượng, hoặc chính xác. Nhưng ngay cả tin tức ra đời từ các phòng truyền thông chính thống không phải lúc nào cũng đáp ứng được hai tiêu chuẩn trên. Vì vậy, dù là phòng tin tức của các hãng thông tấn hay các công ty, điều quan trọng là phải nỗ lực để khiến khán giả hài lòng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Columbia Journalism Review, một tạp chí được thành lập năm 1961 dưới sự bảo trợ của trường báo chí trực thuộc Đại học Columbia. CJR theo dõi và hỗ trợ các hoạt động báo chí trên mọi nền tảng, đồng thời theo dõi sự phát triển liên tục của các doanh nghiệp truyền thông.
Nguồn: infonet.vn
Post a Comment