KHI NÀO QUẢN LÝ CẤP TRUNG MẤT QUYỀN LỰC? - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

KHI NÀO QUẢN LÝ CẤP TRUNG MẤT QUYỀN LỰC?


Cấp quản lý sales bắt đầu hình thành nhiều mức ở một công ty có tình hình kinh doanh khấm khá và mở rộng ra nhanh chóng. Từ thấp lên cao, các quản lý chia sẻ quyền lực và trách nhiệm cùng đội ngũ phía dưới. Chỉ một chút sơ xẩy không để tâm trong bố trí hệ thống nhân sự này, họ sẽ bị mất quyền lực và không thể triển khai đúng mong đợi của sếp. Cách giao quyền và cách vận hành sau đó thường sẽ làm cho quản lý cấp trung có thể lụi tàn! Có một số nguyên nhân cơ bản sau:



- Khi sếp to hơn thọc hẳn vào công việc: Chuyện “câu pháo” này làm mất uy của quản lý và họ trở thành bù nhìn. Đau đớn nhất là họ bị nhân viên ở dưới coi thường vì nhân viên tha hồ được làm việc với sếp không cần phải thông qua quản lý cấp trung.
Khi sếp “tạo điều kiện” nhưng chỉ bằng mồm mà không bằng luật hay văn bản cụ thể. “Em còn trẻ, có năng lực, cứ mạnh dạn mà làm, anh ủng hộ!” Tuy vậy anh ấy không ra văn bản nên chả ai nghe cả, vì người ta không thấy rõ ràng và anh quản lý cũng chả dám làm gì ngoài chuyện nói. Nhân viên nghe thì nghe không nghe thì không có chế tài gì để phạt. Cái này nó giống như luật nước ta, quy định không được làm công ty ở nhà chung cư, nhưng không có chế tài nên kể cả có bắt được làm biên bản cũng chỉ là nói cho vui! Và vẫn có nhiều công ty hiện giờ đang hoạt động trong các căn chung cư!
Khi sếp có quan hệ đặc biệt với một thành viên trong đội và họ thông qua sếp chứ không qua quản lý. Chỉ một người như vậy thôi, có thể là anh em nhà sếp, tệ hơn là người yêu của sếp, thì quản lý như con đại bang bị cắt cánh! Vì đối tượng đó chỉ cần có ý kiến, khẩu cứ vô bằng là anh em sẽ theo người đó chứ không theo quản lý cấp trung.
- Khi Quản lý chỉ được quy định công việc chung chung không rõ ràng. Chắc các anh/chị sẽ ngạc nhiên, nhưng từng có công ty tôi biết tuyển Giám đốc vào. Buổi đầu tiên đi làm, Giám đốc muốn biết công việc cụ thể cần triển khai, Tổng Giám đốc nói: “Anh cũng không rõ, em tự liệt kê việc của mình đi, rồi anh phê duyệt!”. Cái kiểu giao việc này đồng nghĩa với chuyện nếu sau đó làm sai thì Tổng Giám đốc sẽ phê bình Giám đốc và Giám đốc thì chả biết dựa vào đâu mà thanh minh cho những việc mình làm.
Khi Quản lý chỉ biết theo một chiều, rắn hoặc mềm: Bạn đã từng gặp quản lý nào chỉ biết hò hét đe nẹt hoặc chỉ biết mềm ra như bún trước mặt anh em chưa? Do chỉ có một chiều nên anh em thừa biết họ sẽ phản ứng như thế nào và lựa theo đó mà chống lại hay hùa theo cho xong chuyện. Công việc sẽ khó tiến triển. Tôi đã từng gặp một bạn như vậy và làm quản lý khá lâu tại một công ty, nhưng đó là do Giám đốc công ty chỉ lo tu tập chứ không màng sự đời nữa.
- Khi Quản lý lên quá sớm: họ chưa đủ trình độ nhưng đã được tôn lên làm quản lý. Trong đội sales chuyện này là quá phổ biến! Sales bán hàng giỏi rất hay làm sếp thấy cần phải cho họ lên làm quản lý, trong khi họ chỉ quen quản lý mỗi bản thân mà không biết quản lý người ngoài mình thế nào.
- Khi Quản lý đủ trình độ nhưng chưa đủ độ quái để hiểu và xử lý các vấn đề liên quan tới con người: họ hiểu mọi thứ theo kiểu thẳng ruột ngựa, họ không hiểu rằng việc giao tiếp với anh em lúc làm nhân viên sales rất khác với khi làm quản lý. Lúc đó cả đội sales như kết thành một khối chống lại họ, che dấu mọi thứ anh em muốn làm. Và họ không thể xuyên qua lớp vỏ để hiểu tình hình diễn tiến xung quanh mình.

*Nguồn: Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Không có nhận xét nào