3 nhóm đối tượng CEO cần giao tiếp hiệu quả để thành công - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

3 nhóm đối tượng CEO cần giao tiếp hiệu quả để thành công

Để phát triển cá nhân lẫn điều hành công việc thành công, mỗi CEO cần có kỹ năng giao tiếp rõ ràng, hiệu quả với đồng nghiệp, khách hàng và chính bản thân mình.

Trong một xã hội liên tục kết nối - từ email, điện thoại đến máy tinh bảng, con người dễ ngộ nhận về kỹ năng giao tiếp của bản thân. Kỳ thực, chúng ta lại đang biến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, đặc biệt theo quan niệm về những kiểu cách giao tiếp chuyên nghiệp cần có.
Chia sẻ trên Entreprenuer, Michelle Van Slyke - Phó giám đốc marketing và bán hàng của The UPS Store nhìn nhận, kỹ năng giao tiếp có tác động trực tiếp đến câu chuyện điều hành doanh nghiệp lẫn phát triển bản thân của một quản lý cấp cao. Giao tiếp trực tiếp, thoạt nghe có vẻ là một kỹ năng đơn giản. Song nếu quan sát sâu cách bản thân đang giao tiếp với từng nhóm đối tượng nhất định, chúng ta sẽ thu nhận được nhiều thông tin quý giá về kỹ năng truyền thông của chính mình.
Theo Slyke, để phát triển bản thân lẫn điều hành công việc thành công, mỗi CEO cần có kỹ năng giao tiếp rõ ràng và hiệu quả với ba nhóm đối tượng sau:

Truyền thông với bản thân

Cuối năm là khoảng thời gian tốt để bạn lùi lại và đánh giá hiệu quả làm việc của bạn trong năm vừa qua, cũng như cách làm việc hiện tại đang tác động đến công việc của bạn như thế nào. Điều quan trọng trong quá trình tự soi chiếu này chính là sự thành thật và rõ ràng trong đối thoại với chính mình. Hãy phân tích kỹ lưỡng hiệu suất làm việc của bản thân, bất kể bạn có đạt được mục tiêu đề ra hay không.
Thu thập phản hồi từ đối tác, nhân viên, khách hàng và bạn bè của bạn. Hãy khuyến khích họ thật lòng bày tỏ nhận định của họ về bạn. Thực tế, nghe phản hồi từ người khác không phải là điều dễ chịu, nhưng đây là con đường duy nhất để bạn có thể phát triển bản thân, với tư cách là chủ doanh nghiệp.
Một kỹ thuật Slyke thường dùng và khuyến khích bạn áp dụng thử, chính là viết thư cho chính mình. Trong lá thư ấy, hãy phác thảo kế hoạch và đặt mục tiêu cho con đường phát triển bản thân trong năm sau. Hãy xác định rõ điều bạn muốn đạt được trong kinh doanh và điều bạn muốn cải thiện về bản thân trong năm tiếp theo. Slyke nhận thấy bằng cách viết ra những điều này, mục tiêu sẽ trở nên thực tế, và bạn cũng sẽ có thêm động lực để phấn đấu tốt hơn.

Truyền thông với nhân viên

Sau khi đã xác định những phần bạn muốn cải thiện và có kế hoạch điều chỉnh, điều quan trọng tiếp đến là truyền đạt rõ ràng mong muốn của bạn đến những ai có liên quan trong công việc. Đặc biệt là với nhân viên công ty.
Với những định hướng liên quan đến công việc kinh doanh, hãy mời các nhân viên có liên quan cùng tìm hiểu rõ dự định của bạn. Hãy khuyến khích các câu hỏi và giải đáp chúng để đảm bảo không có một vướng mắc hay băn khoăn nào từ cộng sự của bạn. Điều này sẽ giúp đội ngũ cùng hiểu rõ đường hướng phát triển tiếp theo, cũng như có cùng mong đợi phù hợp với kết quả đầu ra trong công việc.

Ngoài ra, cho phép nhân viên cùng tham gia vào quá trình ra kế hoạch cũng mang đến cảm giác thuộc về cho nhân viên của bạn. Từ đó, họ sẽ có trách nhiệm hơn với công việc đã đề ra. Gắn kết nhân viên vào quá trình ra kế hoạch còn có thể giúp nhân viên học hỏi và có thêm cảm hứng sáng tạo ý tưởng mới, góp phần thúc đẩy công ty phát triển. Khi Southwest Airlines muốn thiết kế lại đồng phục sau hai mươi năm vận hành, công ty này đã trao kế hoạch tái thiết kế này cho nhân viên, nhằm gia tăng sự gắn kết của họ với công ty.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy 76% người viết ra mục tiêu, kế hoạch hành động và báo cáo quá trình thực hiện hàng tuần đều đạt được mục tiêu đề ra. Vì vậy, khi truyền thông rõ ràng kế hoạch năm mới với nhân viên, họ sẽ giúp bạn kiểm tra tiến độ thực hiện định kỳ và từ đó xác định những điểm cần điều chỉnh trên thực tế.

Truyền thông với khách hàng

Có lẽ, đối tượng quan trọng nhất cần bạn truyền thông trong kinh doanh chính là khách hàng của bạn. Họ là xương sống của doanh nghiệp. Không có họ, bạn không thể thành công. Với nhóm đối tượng này, điều quan trọng không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu rõ về sản phẩm, dịch vụ của công ty mà bạn còn phải trình bày rõ cách bạn giúp cuộc sống của họ tốt hơn, hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn ra sao.
Theo Oracle, 89% người tiêu dùng thay đổi lòng trung thành với một thương hiệu chính vì công ty mang đến trải nghiệm khách hàng kém. Vì vậy, những thương hiệu như Apple và Ikea đều nỗ lực đầu tư vào các kênh tiếp nhận phản hồi từ khách hàng. Cụ thể, Ikea đến thăm nhà của người tiêu dùng để tìm hiểu cách họ sống và sử dụng sản phẩm để từ đó cải thiện các sản phẩm của Ikea. Lululemon và SoulCycle xây dựng các cộng đồng để khách hàng kết nối, trao đổi ý kiến với nhau cũng như trở thành các đại sứ giúp quảng bá cho thương hiệu của công ty.

Bên cạnh đó, mời người tiêu dùng tham gia vào quá trình nhận xét cuối năm của công ty và thu thập phản hồi về chất lượng sản phẩm, dịch vụ là điều bạn rất nên thực hiện. Kỳ thực, bạn không cần tổ chức hoạt động này một cách trịnh trọng. Bạn có thể đơn giản đến cửa hàng và nói chuyện trực tiếp với người tiêu dùng bất kỳ. Bạn sẽ nhận được rất nhiều thông tin hữu ích từ các cuộc chuyện trò ấy. Thông qua hoạt động này, bạn không chỉ có được thông tin về nhu cầu của khách hàng mà còn có thêm ý tưởng để phát triển sản phẩm trong tương lai.
Đối với những chủ doanh nghiệp nhỏ, lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu dường như là mục tiêu khó đạt được. Hãy kiên trì chăm chút từng khách hàng một. Những điều nhỏ nhất sẽ tạo ra khác biệt lớn lao trong kinh doanh.
Hiểu khách hàng hiện tại cũng mở ra cơ hội để bạn chạm đến các khách hàng tương lai. Gần đây, khi thực hiện khảo sát tại cửa hàng của The UPS Store, công ty đã nhận thấy những khách hàng tiềm năng chưa hiểu rõ về những dịch vụ do công ty cung cấp. Điều này đã tạo cảm hứng để The UPS Store triển khai một chiến dịch quảng cáo hoàn toàn mới, mang tên Beyond Shipping, nhằm chạm đến các khách hàng đang chưa biết hết những dịch vụ mà công ty cung cấp.

Kết



Nếu chúng ta thực sự quan sát sâu cách bản thân đang giao tiếp với từng nhóm đối tượng cụ thể, chúng ta sẽ thu nhận được nhiều thông tin quý giá liên quan đến ưu và nhược điểm trong kỹ năng truyền thông của bản thân. Các thông tin này sẽ giúp CEO điều chỉnh phong cách giao tiếp hiệu quả, từ đó có thể quản trị đội ngũ được tốt hơn.

Nguồn: Doanh nhân sài gòn

Không có nhận xét nào