MÌNH LÀ CHỦ CỬA HÀNG HAY CỬA HÀNG LÀ CHỦ MÌNH? - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

MÌNH LÀ CHỦ CỬA HÀNG HAY CỬA HÀNG LÀ CHỦ MÌNH?


Tôi có một bà cô buôn bán tạp hoá tại chợ Đổ, Hải Phòng. Cô tôi mở một cửa hàng tạp hoá nhỏ tại gia, trong chợ đông đúc thế nên người ra người vào cũng đủ kiếm sống. Tuy nhiên, chớp mắt từ hồi tóc tôi còn để chỏm đến khi gần cưới vợ, cửa hàng cô tôi vẫn giữ nguyên phong cách buôn bán hơn…20 năm về trước. Hàng ngày, cô mở cửa từ sáng sớm tinh mơ và bán đến khi tối mịt. Bí quyết kinh doanh của cô là báo giá theo…mặt khách. Khách nào cô thấy mặt dễ tính thì bán giá cao một chút, nhất quyết không giảm. Khách mà khó tính thì cô đon đả gấp đôi và bán giá gốc luôn. Sướng nhất là bán cho lũ trẻ con vì chúng chẳng bao giờ trả giá và mua rất nhanh. Nhưng vì cái bí quyết kinh doanh không thể truyền dạy được nên chỉ có mình cô bán hàng mấy chục năm qua. Chồng con cũng không bán hộ được (vì cô thấy không an tâm). Lắm lúc, cô lại phải tất tả chạy lên từ bếp, tay vẫn cầm đôi đũa nấu ăn, khi chồng hỏi giá bán hàng cho khách. Đôi khi nhà có công việc, cô chỉ đóng cửa hàng được một buổi rồi lại phải tất tả quay về bán hàng. Cô than thở với tôi là đóng cửa hàng thì không có thu nhập, rồi khách hàng đến mua mà đóng cửa thì họ không quay lại nữa. Bởi vậy, cả chục năm ru rú ở nhà, với cô du lịch là một thứ xa lạ lắm. Tôi hỏi cô sao cô không niêm yết giá, rồi thuê người phụ bán có phải đỡ mệt không. Cô trả lời:

-Con ơi, hàng hoá làm gì có giá mà niêm yết. Mình mua 3 thùng sữa thì được tặng 1 thùng. Bán giá gần gốc. Lời lãi chỉ có được khi bán cái thùng khuyến mại. Mỗi khách phải nhìn mặt mà báo giá, không thì chết đói.




Ra ngoài đường thì cô vẫn tự hào là chủ cửa hàng nhưng tôi thì thấy cô giống culi của cửa hàng hơn. Mỗi ngày hơn 12 tiếng, cô cứ cắm mặt nhập hàng, xuất hàng và ngồi phe phẩy quạt đợi khách, chẳng đi đâu được. Tôi thầm nghĩ chính vì sự thiếu minh bạch trong kinh doanh nên cô tôi bị chính cái cửa hàng của mình “cầm tù” cả chục năm qua.

Một tổ chức muốn lớn mạnh thì điều đầu tiên cần là sự minh bạch. Đừng nghĩ minh bạch để cơ quan thuế có lợi, mà là chính mình có lợi trong việc quản lý trước. Minh bạch trong quy trình, báo cáo thì các bạn mới biết được công ty đang vận hành ra sao, nhân viên đang làm gì. Bạn làm sao có thể dạy nhân viên nói thật với mình mà nói láo với nhân viên thuế. Bạn sẽ quản lý công ty ra sao khi cầm một bản báo cáo láo và dựa trên đó ra quyết định? Trong mô hình công ty gia đình, những chốt quan trọng có thể để cho người nhà nắm giữ (do tin tưởng). Nhưng khi bạn mở tới 20 cửa hàng thì liệu bạn có đủ người nhà để làm quản lý mỗi cửa hàng? Nói xa hơn về nhân sự, yếu tố mà khiến nhân viên nghỉ việc nhiều nhất trong công ty là thiếu công bằng (thiếu minh bạch trong quản lý, đánh giá) theo khảo sát mới nhất tại Mỹ. Chẳng nhân viên nào muốn cống hiến nếu điều mình làm không được ghi nhận, đánh giá đúng so với đồng nghiệp bên cạnh. Ví dụ, bạn làm một công việc văn phòng đơn giản và có mức lương cực cao 20 triệu/tháng. Bạn sẽ rất vui với công việc này đến khi bạn biết đứa đồng nghiệp làm việc cũng giống hệt bạn mà mức lương là 30 triệu. Vậy nên, khi không có sự minh bạch trong đánh giá để tạo công bằng thì lương thưởng cũng không còn là yếu tố có thể giữ chân người tài.

Theo trải nghiệm của bản thân, tôi đã gặp rất nhiều ông chủ mong muốn trở nên vĩ đại nhưng công ty vẫn áp dụng chế độ “hai sổ” – một để kiểm soát, một để khai thuế. Tôi cũng còn thấy rất nhiều ông chủ đang làm culi cho cửa hàng của mình nữa…

Tác giả: Vũ Minh Trường - thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào