Nghệ thuật viết quảng cáo tạo doanh số của Ogilvy (p3)
Ở phần 2 vừa qua, chúng ta đã khám phá 5 lời khuyên đầu tiên của David Ogilvy về quảng cáo hiệu quả trên truyền hình. Phần 3 ngày hôm nay sẽ tiết lộ hết những bài học còn lại trong mục “Dành cho quảng cáo trên truyền hình” để tất cả chúng ta sẽ được dịp khám phá ngay nội dung mới trong phần 4 nhé:
*******
NGHỆ THUẬT QUẢNG CÁO TẠO DOANH SỐ
Tác giả: David Ogilvy
Dịch giả: Phan Nguyễn Khánh Đan
- Phần 3 -
Dành cho quảng cáo trên truyền hình (tiếp theo)
17. Thu tiếng trực tiếp. Các đoạn phim quảng cáo thu tiếng trực tiếp thì sẽ hiệu quả hơn sử dụng lời thuyết minh thu sẵn.
---
18. Nhạc nền. Hầu hết các chương trình quảng cáo trên TV ngày nay đều có sử dụng nhạc nền. Tuy nhiên, nhiều thống kê đã cho thấy, nhạc nền khiến cho một số lượng lớn người xem không thể ghi nhớ hoặc lưu giữ ký ức về sản phẩm được quảng cáo. Đây là một thực tế phũ phàng mà rất ít nhà quảng cáo sáng tạo chấp nhận được. Nếu bạn cũng suy nghĩ như những nhà quảng cáo đó, hãy nhớ lại xem, bạn đã từng thấy ai làm thuyết trình báo cáo doanh số với những bài nhạc nền nhí nhảnh hay chưa?
---
19. Quảng cáo kiểu stand-up. Stand-up là một màn trình diễn mà trong đó thường chỉ sử dụng một diễn viên duy nhất tương tác trực tiếp với khán giả. Trong một mẩu quảng cáo kiểu stand-up, nội dung nói chuyện của người diễn viên sẽ phát huy hiệu quả quảng cáo cao nhất với khán giả khi nó được trình bày một cách thẳng thắn và trung thực.
---
20. Sử dụng điểm nhấn. Thống kê hiện nay cho thấy một người dân bình thường phải tiếp xúc với trung bình 20.000 mẩu quảng cáo trong một năm – một tần suất đáng... bội thực!
Hầu hết những mẩu quảng cáo đó đi vào rồi trôi ra khỏi trí nhớ của người tiêu dùng một cách nhạt nhòa chẳng khác nào nước đổ đầu vịt.
Hãy đảm bảo rằng mẩu quảng cáo của bạn có một điểm nhấn độc tôn đặc sắc, một thứ gì đó có thể còn lưu lại rất lâu trong tâm trí người tiêu dùng sau khi họ xem xong mẩu quảng cáo. Chúng tôi ví von điểm nhấn đó như một THIẾT BỊ BỔ TRỢ TRÍ NHỚ, hoặc một biểu tượng nào đó tương tự như thế. Chẳng hạn, chúng tôi làm cho công chúng phải nhớ đến thương hiệu bơ thực vật Imperial bằng biểu tượng chiếc vương miệng trong hình ảnh thương hiệu cũng như mọi chiến dịch quảng cáo của hãng này.
---
21. Lưu ý về việc sử dụng phim hoạt hình trong quảng cáo. Không đầy 5% số mẩu quảng cáo trên truyền hình hiện nay có sử dụng các đoạn phim vẽ kiểu hoạt hình. Khả năng thuyết phục công chúng của phim hoạt hình kém hơn hẳn so với phim người thật việc thật.
Người tiêu dùng không nhìn thấy bản thân mình trong các nhân vật hoạt hình “nhìn biết ngay là giả.” Do vậy, phim hoạt hình thường không có tác dụng tạo niềm tin nơi người xem.
Tuy nhiên, công ty Carson/Roberts – một đối tác của chúng tôi ở Los Angeles – có chia sẻ rằng phim hoạt hình sẽ phát huy hiệu quả nếu đối tượng khách hàng mục tiêu của nhà quảng cáo là trẻ em.
Họ có thể khẳng định điều đó – bởi họ chính là tác giả của hơn sáu trăm đoạn phim quảng cáo thành công dành cho trẻ em.
---
22. Chỉnh sửa mẩu quảng cáo. Nhiều mẩu quảng cáo thu về kết quả tồi trong các cuộc thực nghiệm vẫn có thể thành công trên thực tế chỉ nhờ chỉnh sửa hợp lý, thay vì phải làm lại toàn bộ chiến dịch một cách tốn kém và không cần thiết.
Nhiều khuyết điểm được phát hiện trong quá trình quảng cáo thực nghiệm hoàn toàn có thể được khắc phục để chúng ta có được một đoạn phim quảng cáo thành công sau đó mà không phải tốn quá nhiều công sức làm lại mọi thứ. Chúng tôi đã từng thành công trong việc tăng gấp đôi doanh số của một mẩu quảng cáo chỉ bằng cách chỉnh sửa vài chi tiết trong đó.
---
23. Lý trí và Cảm xúc. Thông thường, những đoạn phim quảng cáo thuyết phục người tiêu dùng bằng những thông tin trung thực và lập luận logic thì có hiệu quả doanh số cao hơn những phim quảng cáo chỉ đơn thuần đánh động cảm xúc của công chúng.
Tuy nhiên, Ogilvy & Mather chúng tôi tự hào là tác giả của nhiều đoạn phim quảng cáo thành công vang dội chỉ nhờ đánh động cảm xúc, điển hình là các chiến dịch quảng cáo cho thương hiệu cà-phê Maxwell House và sô-cô-la sữa của Hershey.
---
24. “Đầu xuôi thì đuôi mới lọt”. Chúng tôi khám phá ra rằng những mẩu quảng cáo nào có phần mở đầu ấn tượng và cuốn hút người xem thì có khả năng giữ chân người tiêu dùng tốt hơn hẳn so với những mẩu quảng cáo khởi đầu một cách bình thường nhạt nhẽo.
---
Chúng ta vừa đi qua 24 trong số 38 lời khuyên quảng cáo của David Ogilvy trong bài viết “Nghệ thuật quảng cáo tạo doanh số” kinh điển của ông, và đây cũng đồng thời là phần kết của nội dung “Dành cho quảng cáo trên truyền hình.”
Ở phần 4 kỳ sau, chúng ta sẽ khám phá 8 bài học quảng cáo kế tiếp thuộc mục “Dành cho quảng cáo bằng ấn phẩm.” Mọi người đón đọc phần 4 trên website Nghệ Thuật Viết Quảng Cáo trong vài ngày tới nhé!
nguồn: nghethuatvietquangcao.com
Post a Comment