TÂY DU KÝ VÀ BÀI HỌC VỀ THUẬT DỤNG NHÂN - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

TÂY DU KÝ VÀ BÀI HỌC VỀ THUẬT DỤNG NHÂN



Người lãnh đạo phải đặt niềm tin vào nhân viên của mình. Người không có niềm tin, sẽ khiến người khác không tin theo và mất đi động lực, khi gặp phải khó khăn thì dễ dàng chùn bước, người lãnh đạo một khi khiếp đảm, lùi bước rồi, thì đoàn đội anh ta cũng tan vỡ theo.
Chuyện kể rằng, 4 thầy trò Đường Tăng sau hành trình gian nan đến Tây Trúc, khi trải qua đủ các kiếp nạn, tu thành chính quả, thỉnh được chân kinh trở về. Trong đại tiệc tiếp đón 4 thầy trò, Vua Đường đã hỏi Đường Tăng: "Thầy nhờ cái gì mà dẫn đến sự thành công hôm nay?"
Đường Tăng trả lời: "Bần tăng nhờ Niềm tin".
Nhà Vua gật gù suy ngẫm. Chợt nhớ ra, lại quay sang hỏi Ngộ Không: "Còn ngươi nhờ cái gì?"
Ngộ Không trả lời: "Ta nhờ Năng lực và mối quan hệ! Khi ta hết cách ứng phó, ta biết Mượn sức".
Nhà vua thấy ngày càng thú vị, liền quay sang hỏi Bát Giới: "Ngươi đụng một cái thì quăng cào sắt của ngươi, thì làm sao mà ngươi có được thành công?"
Bát Giới trả lời: "Ta chọn cách làm việc cùng đội nhóm, trên con đường thành công có người giúp đỡ có người chỉ dạy, có người hướng dẫn, không muốn thành công cũng không được".
Cuối cùng vua hỏi tới Sa Tăng: "Nhà ngươi thành thật ngay thẳng như vậy làm sao mà thành công được?"
Sa Tăng trả lời: "Ta chỉ đơn giản là vâng lời và làm theo".
Đường Tăng luôn tiến về phía trước nhờ niềm tin cao nhất của mình. Ngộ Không và các đệ tử khác thì không thế, dù năng lực các đệ tử này cao hơn Đường Tăng rất nhiều.
* Niềm tin
Trong kinh doanh, người lãnh đạo cũng phải luôn giữ vững niềm tin, không chỉ trông chờ vào lợi ích trước mắt. Người không có niềm tin, sẽ khiến người khác không tin theo và mất đi động lực, khi gặp phải khó khăn thì dễ dàng chùn bước, người lãnh đạo một khi khiếp đảm, lùi bước rồi, thì đoàn đội anh ta cũng tan vỡ theo.
Ali Rowghani, người đã từng dành nhiều năm làm việc và quan sát vị trí những CEO vĩ đại của Apple, Pixal và Disney, cho rằng: "Nếu nhân viên cảm thấy bối rối về nhiệm vụ và chiến lược của bạn (lãnh đạo), hoặc không thể tìm ra động cơ hay lòng tin, họ sẽ không đi theo bạn với sự tập trung và kiên định cần thiết để thành công".
Có người lầm tưởng là Đường Tăng vô dụng. Tuy nhiên, cái mà Đường Tăng có là Niềm tin, sự Phân công công việc hợp lý và định hướng đúng để đạt được mục tiêu.
* Năng lực
Một ông chủ giỏi là ông chủ biết dùng người, biết phân công công việc phù hợp với từng nhân viên, tạo cơ hội cho nhân viên của mình phát huy năng lực, chứ không phải là ông chủ chỉ biết khư khư ôm hết việc vào mình bởi lo nhân viên không đủ năng lực hoàn thành.
Khi lãnh đạo lựa chọn được nhân viên có năng lực thì đã có thể yên tâm. Bởi một nhà lãnh đạo quan tâm là người dạy dỗ những người khác từng bước phù hợp với khả năng của họ. Đủ nhạy cảm đề biết khi nào cần kiên nhẫn hoặc cần củng cố, tăng cường một bài học, hoặc biết khi nào có thể đi bước tiếp theo là rất quan trọng.
Ngộ Không đủ năng lực đánh tan yêu quái, dẹp "chướng ngại vật" trên đường đi, cũng như nhân viên có năng lực sẽ vạch ra phương án giải quyết vấn đề một cách thuận lợi nhất.
* Mối quan hệ
Tuy nhiên, ngoài Năng lực , Ngộ Không còn có mối quan hệ. Cũng như vậy, trong kinh doanh, khi bạn tạo dựng được những mối quan hệ tốt, cả với đối tác, bạn hàng và thậm chí cả đối thủ, thì tự bạn đã "quẳng" đi được bao nhiêu là gánh nặng.
Mối quan hệ cũng thể hiện luôn khả năng giao tiếp của bạn. Đây không đơn thuần chỉ "mối quan hệ" với lãnh đạo, với cấp trên và với "thế lực lớn" như Ngộ Không có "mối dây" liên kết với các vị tiên, vị thần linh đầy quyền năng... Mà mối quan hệ trong kinh doanh bao gồm cả cách giao tiếp, ứng xử với khách hàng, với đối tác.
Rất nhiều doanh nghiệp, khi có một đơn hàng lớn, bản thân mình không đủ hàng để xuất ngay theo yêu cầu của khách, thì ngoài phương án "gom" thêm hàng từ đối tác cùng ngành với giá cao hơn thì, nếu có "mối quan hệ" tốt, bạn có thể "tạm mượn" hàng những doanh nghiệp cùng ngành để dùng, và sẽ trả khi mình có hàng mới về. Xem các đối thủ cùng ngành là những bạn hàng cùng kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh thì bao giờ cũng có lợi hơn.
* Mượn sức
Một điều quan trọng dẫn tới thành công nữa là bạn phải biết Mượn sức. Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập và là CEO của Alibaba – một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất thế giới cho rằng chìa khóa thành công của ông là luôn khơi nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người, từ tỷ phú đến những ông chủ nhỏ của những doanh nghiệp nhỏ.
Khi được hỏi rằng điều gì làm nên sự khác biệt giữa người lãnh đạo và nhân viên, Jack Ma từng nói rằng: "Nhân viên nên là người có kĩ năng chuyên môn giỏi hơn bạn. Nếu không, điều đó có nghĩa là bạn đã thuê nhầm người". Tập trung vào kĩ năng của nhân viên và thuê người biết cách làm việc tốt để thực hiện tầm nhìn của bạn là điều rất quan trọng với bất kì công ty nào.
* Đội nhóm
Một yếu tố khác dẫn đến thành công nữa là biết làm việc Đội nhóm. Một tập thể đồng lòng thì kết quả sẽ thành công ngoài mong đợi. Tất nhiên, cũng không thể thiếu những nhân viên biết Vâng lời và làm theo.
Có một triết lý trong dùng người được nhiều người tâm đắc, rằng đối với cùng một công việc, muốn nhanh hãy thuê người lười, bởi nếu cùng việc đó, người siêng năng sẽ làm được, nhưng người lười sẽ làm nhanh hơn. Anh ta sẽ tìm mọi cách nhanh nhất có thể - bởi anh ta lười và anh ta muốn sớm xong việc.
---
Kết lại, các yếu tố dẫn đến thành công:
Người lãnh đạo phải đặt NIỀM TIN vào nhân viên của mình
Kỹ năng làm việc NHÓM - ĐỒNG ĐỘI
NĂNG LỰC BẢN THÂN - MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI
BIẾT SỬ DỤNG NGƯỜI TÀI
CHỊU LÀM VÀ NGHE LỜI cấp trên.
Nguồn: Cafebiz

Không có nhận xét nào