NGƯỜI TRẺ ĐI LÀM: THÍCH THÌ CHĂM CHỈ, KHÔNG THÍCH THÌ LÀM ĐẠI KHÁI, CHỐNG ĐỐI. HÃY NHỚ, NGƯỜI CHUYÊN NGHIỆP DÙ LÀM CÔNG VIỆC NÀO, THÍCH HAY KHÔNG ĐỀU XỬ LÝ THẬT TỐT - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

NGƯỜI TRẺ ĐI LÀM: THÍCH THÌ CHĂM CHỈ, KHÔNG THÍCH THÌ LÀM ĐẠI KHÁI, CHỐNG ĐỐI. HÃY NHỚ, NGƯỜI CHUYÊN NGHIỆP DÙ LÀM CÔNG VIỆC NÀO, THÍCH HAY KHÔNG ĐỀU XỬ LÝ THẬT TỐT

Những việc muốn làm thì nhất định sẽ tìm được thời gian và cơ hội, còn những việc không muốn làm thì nhất định sẽ tìm được lý do.



Quang khá tự tin với năng lực của mình thông qua tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi tại trường đại học. Sếp cũng khá ưng ý khi tuyển được một cậu nhân viên trẻ trung, giỏi giang, nhanh nhẹn.
Thực tế, Quang khá sáng tạo trong công việc. Nên chỉ sau một thời gian ngắn ngủi Quang đã giành được sự tín nhiệm của sếp. Đi đâu sếp Quang cũng tự hào khen với bạn bè và khách hàng của mình về cậu nhân viên năng động.
Quá tự tin về bản thân, ỷ thế được sếp cưng chiều, Quang lấn lướt đồng nghiệp và muốn “một tay che cả bầu trời”, có công thì anh nhận, có tội anh lại đẩy cho người khác. Đặc biệt, thay vì tận dụng lợi thế của một người được trao cơ hội, Quang không muốn học hỏi thêm. Có việc gì khó, nặng nhọc anh đều đùn đẩy cho người khác. Quang vỗ ngực bảo “mấy việc cỏn con đó, không xứng để tôi động tay vào”.
Trong một lần làm việc với đối tác nước ngoài, đáng lẽ phần việc phân tích số liệu về tình hình kinh doanh của công ty Quang phải đảm trách, nhưng vì mải xem trận bóng đá, Quang đẩy xuống cho đồng nghiệp khác làm. Dù cậu nhân viên kia đã thoái thác bởi không đúng chuyên môn của cậu, nhưng Quang vẫn nhất mực nhờ khẩn.
Kết quả, trước giờ họp chính thức, Quang tá hỏa phát hiện ra những lỗi sai tai hại, nhưng không đủ thời gian để xoay xở, sửa chữa. Cuộc đàm phán của công ty gặp khó khăn, Quang bị sếp quở trách, nhưng anh ta lấy mọi lý do ra bao biện, đổ lỗi cho thời gian gấp gáp, đổ lỗi cho bộ phận gửi báo cáo tài chính chậm trễ, đổ lỗi cho cậu nhân viên kém cỏi không biết “đọc” số liệu…
Quang còn rất khắt khe và hống hách trước mặt đồng nghiệp. Càng ngày đồng nghiệp càng cố ý lánh xa anh để được yên thân. Khi không có được sự ủng hộ của mọi người, mâu thuẫn trong công việc tăng lên và hiệu quả giảm đi rõ rệt.
Sếp bắt đầu để ý tới thái độ ứng xử của Quang trong văn phòng và tìm ra được nguyên nhân then chốt. Sau cùng Quang đành phải xách va ly ra khỏi công ty trước sự thờ ơ của mọi người như một bài học đắt giá dành cho anh.

Vậy nên, cùng là phận đi làm thuê, khi lười biếng, không nỗ lực học hỏi, kiêu ngạo, đánh mất nhân cách và sự tin yêu, ủng hộ của đồng nghiệp… ắt sẽ phải trả giá đắt. Đời người khi thăng lúc trầm. Sếp có thể cất nhắc và ưu ái bạn, thì cũng có thể đưa bạn trở lại với con số 0 tròn trĩnh.

Do đặc thù công việc, tôi gặp gỡ rất nhiều đối tác nước ngoài và đặc biệt ấn tượng với những người bạn đến từ Đài Loan. Trong những cuộc trò chuyện ngoài lề đàm phán hợp đồng, họ thường hỏi tôi đã gắn bó với công ty bao lâu rồi. Tôi cũng khá ngạc nhiên khi nhiều người trong số đó đã gắn bó với sếp của mình tới 20, 30 năm. Khi nói về công ty mình, tôi cảm nhận được rõ tình yêu công việc, trách nhiệm và những kỷ niệm đẹp về sếp và các đồng nghiệp trong đôi mắt sáng lấp lánh của họ.
Dường như đối với họ công ty giống như mái nhà thứ hai vậy. Họ làm việc không chỉ vì kiếm kế mưu sinh, mà thực sự đã đặt trọn tâm huyết vào công việc và rất mực trung thành với lãnh đạo của mình. Ngược lại họ cũng nhận được sự tán dương và trọng vọng từ các sếp và đồng nghiệp, giống như một mối quan hệ khăng khít đến từ 2 phía.
Có lần họ nói với tôi, lần tới thăm công ty tôi, họ để ý quan sát thấy cậu nhân viên photocopy phân loại hồ sơ, giấy tờ theo từng phòng, từng tầng… rất khoa học, chỉn chu; quan sát thấy năng lượng tích cực trên từng gương mặt nhân viên… dù cuộc họp diễn ra rất căng thẳng và kéo dài; thấy ở tôi – người lãnh đạo sự cầu tiến, chỉn chu, thứ gì yếu kém sẽ nhận chứ không giấu dốt, bao biện. Chính vì sự chuyên nghiệp ấy, họ đồng ý bắt tay hợp tác – dù ngoài kia không ít lời mời béo bở hơn rất nhiều.
Tôi nhớ, nữ sỹ Trương Ái Linh từng nói: “Những việc muốn làm thì nhất định sẽ tìm được thời gian và cơ hội, còn những việc không muốn làm thì nhất định sẽ tìm được lý do”. Câu nói này quả là thấm thía!

Thuở nhỏ chúng ta có thể đã từng đọc câu chuyện đục tường lấy ánh sáng: Vào thời Tây Hán, gia cảnh của Khuông Hoành rất nghèo túng, ngay cả nến cũng không có để thắp. Để đọc sách, ông đã đục một lỗ trên tường lấy ánh sáng từ nhà hàng xóm. Cuối cùng, ông đã trở thành một bậc văn hào một thời.
Còn Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần, gia cảnh cơ hàn không có tiền mua dầu. Nhưng vì say mê đọc sách, ông nghĩ ra cách bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn. Chỉ nhờ cây đèn vỏ trứng ấy mà sau này Mạc Đĩnh Chi đã trở thành người học rộng tài cao, thi đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông.
Các bậc tiền nhân không vì khó khăn mà chùn bước, cũng không vì khổ ải mà thay đổi quyết tâm. Còn chúng ta có đầy đủ mọi tiện nghi vật chất thì cớ sao không thể làm được? Thế mà đáng tiếc ngày nay, nhiều bạn trẻ đi làm, khi được trao cho cơ hội đã không biết tận dụng. Các bạn đổ lỗi rằng công việc không đúng chuyên môn, không đủ thú vị, thu hút… mà hoàn toàn quên mất việc dồn tâm huyết, sức lực để hoàn thành chúng. Các bạn quá nhiều lý do, trong khi quá ít hành động và có chăng hành động cũng dừng ở mức đại khái, “gọi là có”.
Có một đạo lý rất giản đơn là: Gặp khó tiến lên, đường càng đi càng rộng; Thấy khó lùi bước, đường càng đi càng hẹp. Mỗi một lý do chúng ta tìm ra hôm nay sẽ là một chướng ngại trên con đường tiến bước tương lai của mình.
Một người bạn Úc làm việc tại Việt Nam của tôi từng than thở, ở các công ty Việt Nam anh từng làm có một thứ văn hóa rất kì lạ: Văn hóa cao su và Văn hóa đổ lỗi.
Các bạn đi làm muộn 5, 10 phút hoặc hơn thế… và lý do đưa ra thường là tắc đường, con ốm, gia đình có việc đột xuất… Oái oăm, những người phạm lỗi đa phần đều trẻ tuổi. Bạn quên rằng, khi bạn ăn bớt, “tham nhũng” thời gian làm việc của công ty thì công ty vẫn phải trả tiền cho bạn.
Đúng giờ là biểu hiện đầu tiên cho người khác nhìn thấy bạn là người chuyên nghiệp. Thêm nữa khi làm việc, chúng ta sử dụng quỹ thời gian 8 tiếng làm việc vào mục đích đúng của nó càng nhiều thì biểu đó càng thể hiện rõ sự chuyên nghiệp bấy nhiêu.
Thứ hai, là Văn hóa đổ lỗi. Khi chúng ta không hoàn thành công việc hoặc gặp một thất bại nào đó, chúng ta thường đổ lỗi cho ngoại cảnh, tình huống, khó khăn thậm chí đổ lỗi cho những người khác. Điều này rất xấu. Có thể có các yếu tố khác tác động nhưng điều đầu tiên chúng ta sẽ phải là người chịu trách nhiệm. Trong mọi lỗi lầm xảy ra thì luôn có phần lỗi của chúng ta, chính vì vậy thay vì tìm ra các nguyên nhân khác để rũ bỏ, giảm nhẹ trách nhiệm của mình thì chúng ta nên xem xét lại bản thân và tránh mắc phải những lỗi tương tự như vậy.
Khi làm bất cứ công việc gì, bạn trẻ hãy cố gắng kỷ luật bản thân, rèn luyện bản thân để trở thành một người chuyên nghiệp. Người chuyên nghiệp là người dù làm bất cứ việc gì, có thích hay không, đều xử lý thật tốt.
Một người làm việc chuyên nghiệp, sẽ có 7 phẩm chất sau. Nếu chưa đủ chuyên nghiệp, mong bạn mài giũa bản thân để tiệm cận gần hơn với hai từ Chuyên nghiệp.
Am hiểu công việc: Khi đảm nhận công việc gì, một nhân viên chuyên nghiệp sẽ luôn tìm hiểu kỹ các thông tin về công việc đó, đảm bảo bản thân có kiến thức chuyên môn và thành thạo để thực hiện công việc hiệu quả.
Ý thức kỷ luật: Nhân viên chuyên nghiệp là người luôn tuân thủ kỷ luật của công ty, tổ chức ở mức cao nhất. Họ luôn tập trung cao độ khi làm việc, không sử dụng thời gian làm việc để thực hiện những công việc cá nhân. “Không đúng giờ”, “trễ hẹn” là những từ không tồn tại trong từ điển của họ.
Luôn có thái độ tích cực: Nhân viên chuyên nghiệp luôn có thái độ tích cực với công việc, ngay cả khi họ được giao những nhiệm vụ “khó nuốt”, họ sẽ xem đó như là những thách thức trong công việc và đón nhận với tinh thần lạc quan, cố gắng tìm cách thực thi nhiệm vụ một cách tốt nhất.
Cởi mở trong giao tiếp: Nhân viên chuyên nghiệp không ngại chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng của mình với đồng nghiệp. Họ cũng không ngại tranh luận với cấp trên để đưa ra những giải pháp tốt nhất cho công việc. Trong mắt mọi người họ luôn là người trung thực, chính trực và đáng tin cậy.
Tuân thủ nghiêm ngặt: Nhân viên chuyên nghiệp không ngại đưa ra ý kiến phản biện đối với yêu cầu của cấp trên, tuy nhiên họ cũng là người biết tuân thủ nghiêm ngặt ý kiến của sếp. Họ sẽ bảo vệ đến cùng ý kiến cá nhân nhưng sẽ toàn tâm toàn ý thực hiện chỉ đạo của cấp trên (dù ý kiến đó cùng hay trái ngược với ý kiến cá nhân của họ).
Tinh thần tập thể: Nhân viên chuyên nghiệp luôn quan tâm đến các đồng nghiệp của mình, sẵn sàng hỗ trợ các đồng nghiệp trong công việc cũng như cuộc sống riêng tư. Họ cũng không ngại kêu gọi sự giúp đỡ từ phía ngược lại. Họ thuộc tuýp người biết lắng nghe và luôn tôn trọng người khác.
Luôn tự nâng cấp: Nhân viên chuyên nghiệp không ngủ quên trên chiến thắng, họ luôn biết cách học hỏi những kiến thức, kỹ năng mới và tự nâng cấp bản thân. Họ là người sáng tạo và năng động.
Gieo suy nghĩ, gặt hành động,
Gieo hành động, gặt thói quen,
Gieo thói quen, gặt tính cách,
Gieo tính cách, gặt số phận.
Tương lai bạn nằm trong tầm tay bạn. Hãy nghiêm khắc với bản thân để rèn luyện cho mình một tác phong chuyên nghiệp, bạn nhất định sẽ thành công trong bất cứ môi trường làm việc nào.


Theo Cafebiz

Không có nhận xét nào