Đánh mất toàn bộ danh tiếng và cơ ngơi, tôi đã vực lại được nhờ 5 bài học đắt giá mà không ai có thể bỏ qua để năm 2019 thuận lợi - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

Đánh mất toàn bộ danh tiếng và cơ ngơi, tôi đã vực lại được nhờ 5 bài học đắt giá mà không ai có thể bỏ qua để năm 2019 thuận lợi



1. Danh tiếng còn giá trị hơn tiền bạc
Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đầu tiên mà mình thành công mang về một hợp đồng béo bở cho công ty sau khi tốt nghiệp đại học. Chúng tôi đã đưa ra rất nhiều cam kết trong hợp đồng giúp cải thiện chất lượng dịch vụ một cách đáng kể, và đương nhiên sẽ làm gia tăng chi phí hoạt động của công ty. Chính điều này đã gây ấn tượng với khách hàng. Họ quyết định ký kết ngay lập tức.
Tôi đã vô cùng hào hứng và hãnh diện khi hỏi ông chủ trên đường rời khỏi cuộc họp: "Chúng ta có nên bắt đầu thực hiện cải tiến ngay không?" và ông ta đã trả lời, "Ghi vậy để giành được hợp đồng thôi chứ chúng ta không nhất thiết phải thực hiện".
Khi nghe vậy, tôi đã rất sốc. Đối với tôi, khi đã đưa ra cam kết thì chúng ta có trách nhiệm phải thực hiện. Thế nhưng lời của sếp mới là quyết định, tôi cũng dần học theo ông ta và bắt đầu coi đó là hành vi hết sức bình thường để kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
Chỉ sau một vài năm, tôi đã tự tay phá hủy danh tiếng của mình không khác gì một tên lừa đảo. Những gì chúng tôi kiếm được trong thời gian ngắn vừa qua thật sự không thể bù đắp lại tổn hại về danh tiếng mà sau này, tôi phải bỏ ra rất nhiều năm mới có thể từ từ gây dựng lại.
Bài học: Tiền có thể mất nhưng danh tiếng thì không. Phải mất một thời gian rất dài mới có thể xây dựng được danh tiếng tốt và duy trì nó bằng những cam kết chính xác và phù hợp. Đây cũng chính là khoản đầu tư tốt nhất đem lại "cổ tức" dài hạn cho mọi công việc sau này.


2. Đừng xây dựng MVP - Sản phẩm khả thi tối thiểu
Hầu hết các doanh nghiệp đều từng nghe về sự quan trọng của MVP - sản phẩm chỉ cần có đủ các tính năng cơ bản để đáp ứng khách hàng sớm, sau khi nhận lại phản hồi mới phát triển và cải tiến thêm.
Tôi cũng từng thử nghiệm phương pháp MVP để xây dựng một lớp dạy trang điểm trực tuyến. Những beauty blogger hàng đầu trên Instagram và Youtube sẽ đảm nhận phần giảng dạy nội dung. Thay vì cố phát triển một nền tảng học tập tốt nhất, chúng tôi chỉ tung ra sản phẩm ban đầu với rất nhiều lỗ hổng, sau đó mới cải thiện dần từ phản hồi của sinh viên.
Mới đầu, chúng tôi đã thành công rực rỡ với doanh thu lớn đến khó tin. Nhưng tuổi thọ của nó lại quá ngắn. Những đánh giá tiêu cực và phản hồi vô cùng thất vọng gần như chôn vùi chúng tôi hoàn toàn. Ngay cả khi lỗ hổng được cải thiện thì những phản hồi xấu vẫn còn nguyên tại đó, khiến chúng tôi phải từ bỏ sản phẩm của mình.
Bài học: Từ sau lần đó, tôi đã phải bỏ thời gian và công sức để xây dựng một sản phẩm chất lượng, đem đến kết quả khả quan hơn trước khi đưa ra thị trường vì sản phẩm có thể dễ dàng cải thiện, còn danh tiếng thì không. Những đánh giá tiêu cực sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài, thậm chí có thể phá hủy cả một doanh nghiệp.
3. Ăn chắc trước khi ăn nhiều
Năm 2010, tôi từng gặt hái thành công lớn với ý tưởng mở hệ thống chuỗi siêu thị bán tất cả các vật tư trồng trọt cần thiết để trồng những loại thuốc y tế đặc biệt. Ngay lập tức, hệ thống này thu hút sự chú ý của toàn thế giới, hộp thư của tôi nhận hàng ngàn email mỗi ngày từ các doanh nghiệp muốn được nhượng quyền kinh doanh.
Được quan tâm quá nhiều khiến tôi lao vào thị trường toàn quốc mà quên bẵng việc đảm bảo hoạt động tại địa phương. Ngày càng nhiều cửa hàng mở ra khắp nơi nhưng cứ mỗi cửa hàng mở lên, lại có một cái cũ đóng cửa. Và khi phải đóng cửa hết những cơ sở ban đầu của mình, tôi phải chuyển từ doanh nghiệp bán lẻ sang một doanh nghiệp tư vấn để duy trì hoạt động.
Bài học: Sam Walton phải mất 25 năm để phát triển từ một cơ sở tới 38 chi nhánh Walmart, để rồi hôm nay, ông có tới 8500 cửa hàng trên toàn cầu. Cần có thời gian để quay vòng cho một mô hình kinh doanh thành công một cách bền vững. Trước khi có nền tảng vững chắc, bạn đừng nghĩ đến chuyện mở rộng.
4. Minh bạch triệt để
Tôi lớn lên từ một gia đình Ấn Độ bảo thủ, ít giao tiếp khiến gia đình trở nên chia rẽ, khó chia sẻ với nhau về cuộc sống riêng. Và sai lầm của tôi là để mô hình giao tiếp khép kín từ thời thơ ấu đó tràn vào doanh nghiệp của mình.
Tôi chỉ nhận ra điều đó khi thực hiện một cuộc khảo sát ẩn danh về các thành viên trong công ty. Một số người cảm thấy bầu không khí ngờ vực lẫn nhau và không biết rõ về những gì đang xảy ra trong công ty. Từ đó, tôi quyết định trao đổi cởi mở với mọi người về tài chính, thất bại, mục tiêu ngắn hạn, kế hoạch dài hạn và nhiều hơn nữa. Không có gì khuất tất giấu kín cả. Kể từ khi áp dụng chính sách minh bạch triệt để này, cả công ty đã cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều và tinh thần làm việc nhóm diễn ra thuận lợi hơn.

Bài học: Tình trạng không minh bạch sẽ tạo ra sự ngờ vực, dẫn đến chia rẽ lẫn nhau. Một nhà lãnh đạo tốt luôn hoàn toàn minh bạch với các thành viên trong nhóm của mình, truyền cảm hứng cho lòng trung thành của nhân viên.
5. Chỉ nói sự thật
Ở tuổi đôi mươi, tôi đã nổi danh là một kẻ thích "sống ảo" trên mạng xã hội với những hình ảnh lái siêu xe hào nhoáng, sống trong biệt thự bốn tầng tại đồi Hollywood. Thực sự là tôi chỉ có một khoản kha khá trong tay nhưng vẫn phải duy trì những hình ảnh hào nhoáng đó với suy nghĩ cơ hội kinh doanh sẽ tìm đến.
Thế nhưng, mọi người đều nghĩ tôi giàu đến mức không cần kiếm tiền. Thay vì hợp tác thì họ lại tìm cách kiếm chác từ tôi. Và sau khi đánh mất quá nhiều, tôi đã phải tự tay phá vỡ những hình ảnh mình "tạo ra". Phải đến khi không còn gì cả, tôi mới quyết định thành thật và cởi mở sự thật về mình. Sau đó, tôi nhận về phần thưởng gấp mười lần từ thị trường với những quan hệ ngày càng sâu sắc và lúc này, các cơ hội thành công mới thật sự tìm đến.
Bài học: Ngày nay, trong thời đại thông tin lan truyền rất nhanh, mọi người sẽ càng coi trọng tính xác thực của thị trường. Hãy cung cấp thông tin một cách chuẩn xác, không cần làm quá lên, bạn sẽ đạt mục đích nhanh hơn mình nghĩ rất nhiều.

Không có nhận xét nào