8 BÀI HỌC AI CŨNG NÊN NGHIỀN NGẪM NẾU KHÔNG MUỐN BỊ CUỘC ĐỜI THAO TÚNG - Blog KNVN - Kho kiến thức khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam

Header Ads

8 BÀI HỌC AI CŨNG NÊN NGHIỀN NGẪM NẾU KHÔNG MUỐN BỊ CUỘC ĐỜI THAO TÚNG


Sống ở trên đời, ai cũng phải học tập để tôi luyện, học tập để làm người. Học tập vốn là chuyện cả đời, mà học làm người càng không có khái niệm mang tên "tốt nghiệp".



Suy cho cùng, người ta mất cả đời học tập cũng chỉ muốn làm cho cuộc sống của bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Muốn tận hưởng một đời an lạc, bạn nhất định không thể không học 8 phẩm chất dưới đây.
1. HỌC CÁCH TU TÂM
Tính cách đàn ông sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp mà anh ta xây dựng. Tính cách phụ nữ lại ảnh hưởng tới hạnh phúc hôn nhân.
Chớ nói "giang sơn khó đổi, bản tính khó rời", chỉ cần mỗi ngày bạn chịu tu tâm dưỡng tính, tính cách dù tệ tới đâu cũng có thể dần tốt lên.
Một vĩ nhân Thái Lan đã từng nói: "Chỉ cần bạn có tính cách tốt, mọi việc tự nhiên đều sẽ tốt đẹp".
Ông từng chia sẻ: "Rất nhiều người tới đây từng hỏi ta: ‘Sự nghiệp của tôi có tốt không?’; ‘Gia đình có hạnh phúc không’; ‘Đường con cái thế nào’; ‘Đường nhân duyên ra sao?’… Ta chỉ đáp lại họ một câu: ‘Tính cách của người có tốt hay không?’
Tính cách là thứ quyết định thái độ và thái độ chính là điều làm nên một con người. Đừng nghĩ rằng tính cách là thứ "trời sinh", bản thân bạn mới là người quyết định tính cách của mình.
2. HỌC CÁCH CẢM ĐỘNG
Thấy được chuyện tốt của người khác, hãy vui mừng cho họ. Thấy được sự cố gắng của người đời, cũng hãy cảm động với họ.
Cảm động là thiện tâm, là thứ rung cảm sâu sắc mà chỉ những người có trái tim lương thiện và thấu cảm mới hiểu được.
Trong suốt hàng chục năm cuộc đời, có không ít câu chuyện, không ít câu từ làm chúng ta rung cảm.
Bởi cảm động là một thứ cảm xúc tuyệt vời, nên hãy học cách cảm động cùng người khác, cũng hãy cố gắng làm những chuyện khiến người khác cảm động.
Điều khiến con người xích lại gần nhau không phải là tiền bạc, cũng không phải quyền lực, đó chỉ đơn thuần là hai chữ "cảm động" mà thôi.
3. HỌC CÁCH SINH TỒN
Để sinh tồn trong cuộc đời này, ta buộc phải học cách khiến bản thân trở nên mạnh mẽ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trưởng thành khỏe mạnh là một cách để ta báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Mạnh mẽ, tự lập là cách để ta bảo vệ những người yêu thương ta trong cuộc đời.
Bởi cuộc đời sẽ luôn tìm cách quật ngã ta, mà người thân, người thương luôn hy vọng ta vững vàng, nên không còn cách nào khác, ta phải tự khiến mình trở nên mạnh mẽ.
Chỉ khi khiến bản thân trở nên mạnh mẽ, bạn mới có thể thực hiện điều mình mong muốn. Sinh tồn không phải là thứ cầu may, sinh tồn luôn là một lựa chọn.
4. HỌC CÁCH NHẪN NẠI
Cổ nhân có câu: "Nhẫn một chút sóng yên gió lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao". Nghĩa là kiên trì, nhẫn nại trong một khoảnh khắc thì mọi khó khăn sẽ qua đi.
Sống ở trên đời, người nhịn được những thứ mà kẻ khác không nhịn được mà là người làm nên đại sự. Học được một chữ nhẫn, gặp khó khăn sẽ luôn hóa giải được, không vì hấp tấp mà hỏng việc, giúp ta luôn thấy rõ thiện – ác, tốt – xấu trên cuộc đời này.
Giống như ai đó đã từng nói: "Nhân sinh thực ra chính là như vậy. Khi bạn cảm thấy tâm đã tàn, ý đã lạnh, chìm sâu trong vũng lầy tăm tối, Thượng đế sẽ đột nhiên đem đến cho bạn một tia hy vọng, hết thảy đột nhiên tốt đẹp lên. Cho nên bạn nhất định phải nhẫn nại, nhẫn nại một chút, thêm một chút thôi…"
5. HỌC CÁCH NHẬN SAI
Đứng trước lỗi lầm, bản chất của mỗi con người mới được bộc lộ hoàn toàn. Khi có lỗi, người tử tế sẽ sẵn sàng nhận sai, còn kẻ ti tiện thì chỉ tìm cách đổ cho người khác.
Kỳ thực, chẳng bao giờ chịu nhận sai lại là sai lầm lớn nhất của đời người. Nhận sai trước bất kỳ ai, dù là con cái, người thân hay người ngoài, luôn là điều cần làm khi ta mắc lỗi.
Chân thành nhận lỗi chẳng những không lấy của ta điều gì, mà còn làm giá trị của ta tăng lên trong mắt người khác, giúp ta trở thành con người thật thà, độ lượng.
6. HỌC CÁCH THẤU CẢM
Muôn điều thị phi, muôn vàn tranh chấp trong cuộc đời này âu cũng đều bắt nguồn từ lòng ích kỷ.
Tác giả văn học hiện đại Trung Quốc là Cửu Bảo Đao đã từng viết:
"Lòng cảm thông cũng chẳng phải phẩm chất gì cao cả cho lắm, chỉ là điểm xuất phát của lòng tốt cơ bản nhất trong linh hồn một con người".
Để có được cuộc sống an lạc, điều cần nhất là học cách cảm thông và thấu hiểu. Bởi vì thấu hiểu, cho nên mới có thể từ bi…
7. HỌC CÁCH BUÔNG BỎ
Buông bỏ kỳ thực chính là một kiểu mạnh mẽ.
Trong tác phẩm "Lưng chừng cô đơn", tác giả Nguyễn Ngọc Thạch đã từng viết: "Tay người ta đâu đủ lớn để nắm hết tất cả những thứ mình muốn, nên trong vài trường hợp, cần học cách buông bỏ vài thứ, để giữ lại những thứ quan trọng hơn. Tim người cũng vậy".
Trong cuộc đời, có nhiều thứ cũng giống như cát, dù cố nắm chặt tới đâu, chúng vẫn sẽ lọt qua kẽ tay mà bỏ bạn. Học cách buông bỏ những thứ không thuốc về mình, cũng giống như rũ bỏ gánh nặng mà bạn tự vác lên vai.
Đau khổ, nhớ thương cũng sẽ chỉ la chốc lát, đặt xuống được chấp niệm, bạn mới thấy cuộc sống thảnh thơi và an nhiên tới nhường nào.
8. HỌC CÁCH HÒA NHÃ
Tâm tính trở nên hiền hòa được coi là thành quả lớn nhất của quá trình "tu tâm".
Đời người chỉ khi hiền hòa mới có thể đổi lại an lạc, cứ mãi cứng rắn, chẳng biết nhu hòa sau cùng vẫn sẽ chỉ chịu thiệt.
Người cố chấp mang trong mình từ trái tim tới tính cách đều cứng rắn giống như sắt thép. Để họ học được cách cư xử ôn hòa, nhã nhặn quả thực khó khăn chẳng khác nào thuần phục ngựa hoang.
Nhưng tới khi học được điều này, họ mới thấy, kỳ thực cuộc sống chẳng cần lúc nào cũng phải gồng mình lên như trước đây họ đã từng làm.

(Theo Trí thức trẻ)

Không có nhận xét nào